1. VKC: Tỷ lệ cổ tức rất hấp dẫn
CTCK MBS
9 tháng 2015, Công ty cổ phần Cáp Nhựa Vĩnh Khánh (HNX) đã xuất khẩu hơn 28.000.000 m dây thuê bao viễn thông và hơn 11.000.000 m dây cáp Lan ra thị trường nước ngoài, tổng giá trị đơn hàng khoảng 3 triệu USD. Tại thị trường Phillipine, sản phẩm dây thuê bao đồng và các sản phẩm cáp viễn thông được các công ty viễn thông đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, thiết kế dây viễn thông của Vĩnh Khánh được bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng trong vòng 7 năm tính từ 2015 tại thị trường Philippin. Vĩnh Khánh vẫn tiếp tục duy trì thế mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với dòng sản phẩm là cáp mạng Lan dạng Slim và Flat.
Công ty đang tập trung đầu tư phát triển và hình thành thêm 3 nhà máy tại khu đất 50,000 m2 mặt tiền đường quốc lộ 1K. Nhà máy mới khai trương có tổng diện tích hơn 10.000 m2 bao gồm khu nhà xưởng được trang bị dây chuyền sản xuất và thiết bị hiện đại. Hiện tại dây chuyền sản xuất của Công ty đã chạy hết 100% công suất. Dự kiến trong thời gian tới, công ty sẽ gia tăng thêm 10-17 dây chuyền máy để phục vụ nhu cầu khách hàng. Công suất hiện tại trong 1 tháng của nhà máy cáp là 21.000.000 m dây viễn thông, 10.000.000 m dây mạng LAN. Công suất dự kiến trong Q1 năm 2016 là 30.000.000 m dây viễn thông, 12.000.000 m dây mạnh LAN.
VKC hiện nay đã đưa vào sử dụng dây chuyền ép mặt bin bằng nguyên liệu PVC và HDPE. Sản phẩm dùng để chứa dây đồng, dây FTTH. Sơ bộ 9 tháng đầu năm 2015, Vĩnh Khánh đã tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng chi phí so với mua hạt nhựa bên ngoài.
Cổ phiếu VKC đang tích lũy về giá và thanh khoản, nhà đầu tư nước ngoài liên tục gom hàng trong hơn 1 tháng qua. Hiện tại VKC đang giao dịch ở mức 10.100 đồng/CP ngày 14/12/2015. Bên cạnh đó ĐHCĐ 2015 của VKC đã thông qua việc chi trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 10% tiền mặt, tương ứng 1.000 đồng/CP. Với một cổ phiếu thị giá thấp như VKC, tỷ lệ cổ tức này rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
2. DGW: Mức giá kỳ vọng với mục tiêu trung hạn là 39.058 đồng/cổ phần
CTCK VCBS







2015 doanh thu phân phối điện thoại di động có thể giảm nhẹ do sụt giảm từ Nokia
Do mới tham gia lĩnh vực phân phối điện thoại di động nên lượng sản phẩm DGW phân phối chưa đa dạng, hiện tập trung nhiều vào sản phẩm Nokia. Trong thời gian qua, hãng này chưa ra m ắt mẫu điện thoại mới nào dẫn đến doanh thu từ phân phối di động của DGW bị sụt giảm. Tuy nhiên, DGW đã kịp thời mở rộng và đa dạng hóa mặt hàng cung cấp trong thời gian tới, có thể kể đến Wiko, Obi, iPhone, Xiaomi, Cink Tab,.. đều là những mặt hàng tiềm năng mà công ty sẽ mở rộng phân phối trong thời gian tới. Đây cũng là mùa kinh doanh cao điểm của ngành phân phối và bán lẻ thiết bị điện tử, là thời điểm mua sắm truyền thống của người tiêu dùng Việt Nam khi nhận được các khoản thưởng Tết. Do đó, chúng tôi đánh giá trong tương lai những dòng sản phẩm mới kể trên có thể bù đắp cho phần sụt giảm từ Nokia. Chúng tôi dự báo DGW có thể đạt 4.682 tỷ đồng doanh thu trong năm 2015, giảm 4% so với năm 2014. LNST của công ty có thể đạt 112 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng k ỳ, tương đương với mức EPS 3.658 đồng/cổ phiếu.
Thế mạnh từ độc quyền phân phối một số dòng điện thoại giá rẻ sẽ được phát huy trong năm 2016
Thế mạnh về phân phối điện thoại di động giá rẻ của DGW và lợi thế từ độc quyền một số sản phẩm sẽ phát huy trong năm 2016. Thương hiệu Wiko đã khẳng định vị thế ở thị trường châu Âu vốn khắc nghiệt, vì vậy có nhiều cơ sở để cho rằng thương hiệu này sẽ tiếp tục thành công ở thị trường Việt Nam.
2016 có thể sẽ là một năm bùng nổ doanh số của Wiko ở Việt Nam. Thương hiệu Obi cũng đã đạt được những thành công bước đầu ở thị trường Mỹ và sẽ phát triển mạnh ở thị trường Việt Nam thời gian tới. Nokia-Microsoft đang trong giai đoạn tái cơ cấu và sẽ hoàn thành trong năm 2016, khi đó cũng sẽ mang lại nhiều triển vọng cho mảng phân phối di động của DGW.
Doanh thu từ phân phối điện thoại di động có thể tăng khoảng 25% trong năm 2015 và đạt 2.636 tỷ đồng. Doanh thu từ mảng Laptop đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, tăng trưởng doanh thu có thể đạt 5% tương ứng với doanh thu 2016 là 2.205 tỷ đồng. Doanh thu từ mảng thiết bị văn phòng có thể đạt 512 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 8%. Như vậy, doanh thu 2016 của DGW có thể đạt 5.353 tỷ đồng, tăng trưởng 14,3% so với năm 2015
Biên lợi nhuận gộp mảng phân phối laptop có thể đạt 6,3% trong năm 2016 do thị trường phân phối laptop đang dần đi vào ổn định, số lượng các nhà phân phối giảm đi và DGW cũng mở rộng mảng phân phối vào phân khúc trung và cao cấp.
Mảng di động biên lợi nhuận gộp 2016 có thể đạt 7% do DGW tiến hành phân phối nhiều sản phẩm độc quyền.
Thiết bị văn phòng luôn đạt mức biên lợi nhuận gộp cao và ổn định (9%-11%) trong những năm gần đây. Chúng tôi cho rằng biên lợi nhuận gộp của mảng này có thể đạt 10,5% trong năm 2016.
Khuyến nghị đầu tư
Với mức giá hiện tại, cổ phiếu DGW hiện đang giao dịch với mức P/E forward cho năm 2015 và 2016 lần lượt là 8,8x và 7,42x, là mức tương đối hấp dẫn mặc dù cổ phiếu đã bị pha loãng đáng kể sau đợt phát hành cổ phiếu trả cố tức 30% vào ngày 9/10/2015. Về dài hạn, DGW có vị thế dẫn đầu thị trường phân phối laptop, nằm trong top 3 thị trường phân phối điện thoại di động của Việt Nam, một thị trường còn nhiều tiềm năng với dân số còn rất trẻ. Sang năm 2016, DGW có nhiều triển vọng với việc phân phối các dòng điện thoại nhiều tiềm năng như Wiko, Obi, Xiaomi và iPhone. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu DGW, mức giá kỳ vọng của chúng tôi cho cổ phiếu DGW với mục tiêu đầu tư trung hạn là 39.058 đồng/cổ phần.
Kỳ Thành

Theo baodautu.vn