1. TFC: Cơ hội đầu tư giá trị tốt


CTCK MB (MBS)
Doanh nghiệp hàng đầu trong ngành xuất khẩu thủy sản đông lạnh Việt Nam về doanh số xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Đông Á... và tiềm năng còn tiếp tục mở rộng thị trường trong các năm tới khi đang đầu tư lớn mở rộng nhà máy.
9 tháng đầu năm, CTCP TRANG (mã TFC) đạt lợi nhuận sau thuế hơn 40 tỷ đồng, dự kiến cả năm có thể đạt lợi nhuận sau thuế 53 tỷ đồng, tương ứng EPS hơn 4.800 đồng/CP. Với vốn điều lệ 110 tỷ đồng hiện này thì giá trị sổ sách của TFC đang ở mức gần 20.000 đồng/CP, dự kiến book cuối năm có thể đạt 24.800 đồng/CP.
Và với tiềm năng tăng trưởng dự kiến khoảng 15%-20% trong các năm tiếp theo thì TFC xứng đáng ở mức P/E khoảng 10 lần (mức này vẫn thấp hơn trung bình ngành 13.8 và mức trung bình của thị trường 12.6 hiên này), tương ứng giá trị hợp lý ở mức 45.000 - 48.000 đồng/CP.
Và với vùng giá sau khi lên sàn hiện nay là quanh 33.500 đồng/CP thì TFC có thể là cơ hội đầu tư giá trị tốt trong bối cảnh thị trường hiện nay, với kỳ vọng tăng trưởng về giá khoảng 35%.
2. FMC: Khuyến nghị theo dõi
CTCK Vietcombank (VCBS)







Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC - sàn HOSE) đạt sản lượng tiêu thụ 8.836 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ, doanh thu thuần đạt 2.087 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ). Lợi nhuận trước thuế đạt 84,4 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 76,9 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, FMC đã hoàn thành 57% kế hoạch doanh thu và 84,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cho cả năm. Lợi nhuận gộp đạt 194 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ, nhờ giá tôm nguyên liệu vẫn trong xu hướng giảm trong khi giá bán của các hợp đồng đã kí vẫn được giữ nguyên.
Sản lượng xuất khẩu tôm vẫn tăng nhờ định hướng mở rộng thêm thị trường EU trong năm 2015 và phân khúc sản phẩm khác biệt của FMC là phân khúc hàng giá trị gia tăng trong khi các doanh nghiệp cạnh tranh khác lại xuất khẩu chủ yếu sản phẩm tôm công nghiệp đông lạnh.
Chi phí tài chính trong 9 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh gấp gần 4 lần cùng kỳ đạt 40,3 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá khiến vay nợ tăng theo do hầu hết nợ vay của FMC bằng USD. So với 9 tháng đầu năm 2014, chi phí thuế TNDN của FMC đã giảm 40% nhờ thuế TNDN giảm còn 10% thay vì 22% do nhà máy FMC thuộc khu vực địa bàn khó khăn
Trong năm 2016, FMC có thể gặp rủi ro từ giá nguyên liệu đảo chiều do không tự chủ được nguồn nguyên liệu dẫn đến biên lợi nhuận gộp suy giảm. Tuy nhiên, doanh thu vẫn sẽ tăng trưởng khả quan nhờ phục hồi nhu cầu tôm trên thế giới và tác động tích cực nhờ lợi thế từ các hiệp TPP và FTA cũng như mức thuế POR 0% ở thị trường Mỹ. Đặc biệt, rủi ro về dòng tiền cần được lưu ý khi công ty mẹ HVG có dòng tiền yếu sẽ gây áp lực cổ tức bằng tiền từ FMC.
VCBS vẫn giữ nguyên mức dự phóng năm 2015 cho FMC với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế ước đạt lần lượt đạt 2.764 tỷ đồng, giảm 4% so với năm ngoái và 91,1 tỷ đồng, tăng 45% so với năm ngoái, tương ứng với EPS và P/E forward đạt lần lượt 4.600 đồng và 5,3 lần. Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu FMC.

Thanh Thúy (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn