Bà Nguyễn Thị Bảy, Giám đốc Agribank Chi nhánh Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) cho biết, trước tình hình kinh tế quốc tế và trong nước có nhiều biến động phức tạp thời gian qua, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống kinh tế - xã hội địa phương, hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp của các hộ sản xuất và kinh doanh đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh gay gắt. Vì vậy, hoạt động tín dụng tại địa phương không thể tránh khỏi tác động và chi phối trước diễn biến nói trên. Trong khi đó, chất lượng tín dụng chưa thật sự ổn định, nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro có xu hướng gia tăng và cạnh tranh về lãi suất cho vay giữa các ngân hàng cũng khá gay gắt.
Cũng theo bà Bảy, dư nợ tại Agribank Chi nhánh Hàm Thuận Bắc tăng trưởng hàng năm khá tốt, 2 năm qua tăng gấp 1,61 lần so với thời điểm cuối năm 2013. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 28%/năm. Tuy nhiên, cạnh tranh về thị phần đang ngày càng nóng hơn.






Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ và vừa, thậm chí cả các công ty tài chính tiêu dùng, cũng len lỏi đến tận những ngõ ngách của các vùng nông thôn để tiếp thị vốn vay




Hiện không chỉ Agribank, mà một số nhà băng khác có mạng lưới tương đối rộng đang tìm cách cho vay như Sacombank, MB… Lãi suất của các ngân hàng này cũng được ưu đãi trong thời gian đầu và hồ sơ giải quyết gọn lẹ hơn, nên thu hút được người vay.
Chủ Cơ sở kinh doanh phân bón và vật liệu xây dựng Sơn Hà trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cho hay, trước đây chỉ có Agribank, nhưng nay có thêm nhiều ngân hàng về tỉnh lẻ chào vay vốn. Tuy lãi suất cho vay có cạnh tranh hơn Agribank, nhưng do cơ sở này đã có mối quan hệ tín dụng lâu năm với Agribank, nên Sơn Hà quyết định chọn vay vốn tại ngân hàng này, với lãi suất 7 - 9%/năm.
Chị Nguyễn Thị Mơ, chủ một cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, lâm, ngư nghiệp tại xã An Ngãi (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho hay, không chỉ thời điểm cuối năm, mà thời gian gần đây, khi cạnh tranh về tính dụng giữa các ngân hàng trở nên khốc liệt thì người cần vốn có nhiều địa chỉ để lựa chọn. Cơ sở của chị Mơ đã được nhiều ngân hàng đến tiếp thị vốn và sẵn sàng hỗ trợ tiền tỷ đồng để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Lãi suất cho vay của các ngân hàng cổ phần nhỏ thấp hơn 1,5 - 2% so với các ngân hàng có vốn nhà nước.
Trên địa bàn huyện Long Điền, Agribank cho vay các hộ dân hiện chiếm tỷ lệ 12%, còn 9 ngân hàng thương mại khác chiếm 37%. Còn với khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn huyện, Agribank Long Điền cho vay được khoảng 40/300 doanh nghiệp, chủ yếu trong ngành chế biến, thủy sản. Nguồn vốn chủ yếu ngắn và trung hạn, lãi suất 7%/năm ngắn và trung hạn là 10%/năm.
Theo lãnh đạo của một doanh nghiệp, điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại nhỏ thoáng hơn, nên dễ thu hút khách hàng; đồng thời, một số sản phẩm cho vay của ngân hàng nhỏ cũng cạnh tranh hơn và linh hoạt hơn, nên không mất cơ hội trong việc đàm phán và thu hút khách hàng so với Agribank.
Ông Nguyễn Trí Huấn, Phụ trách phòng khách hàng hộ sản xuất và cá nhân của Agribank Chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 45 ngân hàng hoạt động. Cạnh tranh về lãi suất cũng như điều kiện tín dụng được xem là lợi thế của các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ để thu hút người vay vốn. Trong khi đó, quá trình thẩm định hồ sơ của ngân hàng lớn chặt chẽ hơn và giá trị định giá tài sản đảm bảo của ngân hàng lớn thường thấp hơn, nên kém cạnh tranh hơn. Mặt khác, không chỉ các ngân hàng quy mô nhỏ, hiện còn có không ít công ty tài chính vươn tới vùng sâu, vùng xa thông qua mạng lưới cộng tác viên để mời vay với lãi suất thấp.
Vân Linh

Theo baodautu.vn