Các doanh nghiệp dệt may đã lên tiếng đề nghị tạm dừng thực hiện Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt với sản phẩm dệt may



Đề nghị tạm dừng hiệu lực của một văn bản đã có tiền lệ, gần đây nhất là Thông tư 20/2014/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Nhưng việc tái diễn tình trạng tương tự đang khiến cộng đồng doanh nghiệp bất an, ít nhất ở hai khía cạnh.
Một là, việc tự thêm rào cản trong nước trong bối cảnh hàng rào thuế quan đang dần về 0% theo các cam kết hội nhập của Việt Nam đang tăng gánh nặng cho hành trang hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam.
Hai là, trách nhiệm thực thi của cơ quan quản lý nhà nước với các yêu cầu cải cách chưa đi đồng hướng và đồng tốc với quyết tâm chính trị của Chính phủ.
Phải nói rõ, Nghị quyết 19/2015/NQ-CP đã yêu cầu Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung Thông tư 32 theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, với các nội dung cần sửa đổi như miễn kiểm tra với 5 loại hàng hóa, thủ tục phải thực hiện đăng ký và trả kết quả qua mạng thông tin điện tử. Thế nhưng, doanh nghiệp thất vọng vì không tìm thấy các nội dung này trong Thông tư 37, thậm chí nhiều quy định mới còn rối hơn Thông tư 32.
Hơn nữa, các doanh nghiệp dệt may đã đeo đuổi đề nghị xem xét lại văn bản mang tính tạm thời đã 6 năm nay với rất nhiều lý lẽ và thực tế. Song, chưa thấy động thái rõ ràng trong việc tìm công cụ quản lý khác, thay vì kiểm tra như Thông tư 32 trước và Thông tư 37 sắp có hiệu lực, từ phía cơ quan quản lý nhà nước như yêu cầu của Chính phủ trong nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Đây là vấn đề rất lớn với doanh nghiệp trong hội nhập, nhất là yêu cầu đạt chuẩn trong cạnh tranh để tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu. Lý do là, ngoài các rào cản mà Chính phủ đặt ra, các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các chuẩn mực của chính các tập đoàn, công ty đa quốc gia, như việc vượt qua các hàng rào kỹ thuật để đưa được hàng vào các siêu thị lớn.
Với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đây là những “hàng rào dây thép gai” vì thông tin về các rào cản kỹ thuật cũng như cách thức vượt qua rất thiếu và yếu... Nếu như các cơ quan quản lý nhà nước vẫn coi trọng kiểm tra và xác định đây là phần việc không thể thay thế của mình, thay vì hỗ trợ, hướng dẫn về thông tin và kỹ thuật để doanh nghiệp biết, nắm rõ các quy định, thì doanh nghiệp sẽ không có động lực thay đổi quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng để đạt chuẩn mực theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và đối tác.
Nói cách khác, cơ quan nhà nước phải quay lại công việc của mình, ở đâu có rào cản thì tháo, ở đâu có rủi ro về đầu tư kinh doanh thì tìm cách gỡ bỏ. Với môi trường kinh doanh an toàn, thông thoáng, doanh nghiệp sẽ tự tìm ra cơ hội mới của mình.
Bảo Duy

Theo baodautu.vn