Hiệu ứng của quy định nới room chưa “thẩm thấu” tới thị trường



Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 hướng dẫn Luật Đầu tư, UBCK đã có nỗ lực tiếp theo nhằm gỡ vướng cho nới room, khi đề xuất nội dung (hướng dẫn Nghị định 118): nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 65% vốn điều lệ của doanh nghiệp Việt Nam liên tục 1 năm trở lên, thì doanh nghiệp đó được coi là nhà đầu tư nước ngoài.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2015 vừa diễn ra, lãnh đạo UBCK cho biết, dự kiến thông tư hướng dẫn nội dung này sẽ được Bộ Tài chính ban hành trong tháng 12/2015.
Ghi nhận từ thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, khi hướng tháo gỡ trên được đưa vào áp dụng, sẽ khích lệ doanh nghiệp nới room. Tuy nhiên, cũng có ý kiến quan ngại, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại có nguy cơ liên tục thay đổi quanh ngưỡng 65%, làm đảo lộn hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, vì phải làm thủ tục chuyển từ doanh nghiệp trong nước thành nhà đầu tư nước ngoài và ngược lại.
Trao đổi với PV, lãnh đạo UBCK cho hay, dự thảo thông tư mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi ban hành, đã tính toán kỹ các tình huống để đảm bảo tháo gỡ tối đa những vướng mắc có thể phát sinh.
Theo đó, xuất phát từ phân công của Chính phủ tại Nghị định 118, phạm vi hướng dẫn của Bộ Tài chính chỉ giới hạn duy nhất là thủ tục về đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK đối với nhà đầu tư nước ngoài, chứ không điều chỉnh bất kỳ hoạt động nào liên quan đến thủ tục đầu tư công trình, dự án, vay vốn, đăng ký kinh doanh, thay đổi loại hình doanh nghiệp… của các doanh nghiệp sau khi trở thành nhà đầu tư nước ngoài. Từ phạm vi điều chỉnh rõ ràng này tại Nghị định 118, UBCK đề xuất 3 nội dung hướng dẫn.
Thứ nhất, doanh nghiệp trở thành nhà đầu tư nước ngoài khi thỏa mãn các điều kiện: nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 65% vốn điều lệ của doanh nghiệp Việt Nam liên tục 1 năm trở lên, thành viên HĐQT là người nước ngoài chiếm hơn 50% số lượng thành viên HĐQT tại doanh nghiệp.
Thứ hai, khi trở thành nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp được phép mở 2 tài khoản giao dịch chứng khoán: tài khoản phục vụ cho giao dịch các cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch trong diện hạn chế tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài (tài khoản 1); tài khoản phục vụ cho các giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ không hạn chế tỷ lệ sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài, cũng như phục vụ cho giao dịch khi doanh nghiệp chuyển từ nhà đầu tư nước ngoài thành nhà đầu tư trong nước (tài khoản 2).
Với sự phân chia này, khi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu trong diện hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì cổ phiếu sẽ “chảy” vào tài khoản 1, còn những cổ phiếu không hạn chế giao dịch đối với bên nước ngoài sẽ “chảy” vào tài khoản 2.
Việc chia tách và ghi nhận biến động tỷ lệ sở hữu cổ phiếu này hoàn toàn được thực hiện tự động bởi hệ thống của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và Sở GDCK, chứ bản thân doanh nghiệp không phải tiến hành bất kỳ thủ tục nào.
Thứ ba, 1 tháng trở lên tính từ thời điểm nhà đầu tư nước ngoài giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp xuống dưới 65%, thì doanh nghiệp trở thành nhà đầu tư trong nước. Khi đó, tài khoản 1 tạm ngừng hoạt động; thay vào đó, hoạt động mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp (khi đó là nhà đầu tư trong nước) sẽ “chảy” vào tài khoản 2. Hoạt động này, doanh nghiệp cũng không phải làm bất kỳ thủ tục gì, mà hoàn toàn do hệ thống của VSD và Sở GDCK thực hiện tự động.
Như vậy, bên nước ngoài mua bán cổ phiếu dẫn tới tỷ lệ sở hữu lên trên hoặc xuống dưới mức 65%, thì hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không bị đảo lộn như có ý kiến quan ngại là doanh nghiệp liên tục phải làm thủ tục thay đổi từ doanh nghiệp trong nước thành nhà đầu tư nước ngoài và ngược lại.
Bởi lẽ, phạm vi điều chỉnh của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán chỉ hướng dẫn hoạt động mua, bán cổ phiếu trên TTCK, còn tất cả các hoạt động khác, doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật về doanh nghiệp, về đầu tư.
Hữu Hoè (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn