Tăng trưởng tín dụng năm 2016 có thể đạt 18 - 20%
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng đến cuối tháng 11/2015 đã tăng 14,5%. Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhận định, nhiều khả năng, tín dụng đến cuối năm sẽ tăng 16,5 - 17%.
Điểm đặc biệt năm nay là tín dụng không còn tăng giật cục như trước. “Tín dụng năm nay tăng trưởng một cách thực chất và bền vững hơn, thể hiện ở việc tăng ngay từ đầu năm và được duy trì ở mức tăng khá đều qua từng tháng”, ông Đông khẳng định.






Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng đến cuối tháng 11/2015 đã tăng 14,5%




Tại nhiều ngân hàng, tăng trưởng tín dụng 11 tháng đã đạt trên 20%. Ngay cả tại Agribank, tín dụng cũng phục hồi rất lạc quan. Nếu như năm 2014, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này chỉ đạt 8,8%, thì chỉ tính đến ngày 23/11/2015 đã đạt 12,1%.
Từ giữa năm đến nay, nhiều ngân hàng đã tăng hết chỉ tiêu tín dụng và tới tấp nộp đơn xin NHNN nới room. Mới đây, VIB đã được NHNN phê duyệt nâng mức tăng trưởng tín dụng tối đa năm 2015 lên 25% từ mức 20%.
Với sự tăng trưởng rõ nét của nền kinh tế và tình hình tăng trưởng tín dụng lạc quan năm nay, các chuyên gia kinh tế dự báo, nhiều khả năng NHNN sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm 2016. Theo đại biểu Quốc hội, TS. Trần Du Lịch, để kích thích tăng trưởng, NHNN cần tính toán để tỷ lệ tăng trưởng tín dụng phải gấp ba lần tăng trưởng GDP trong giai đoạn mới.
Thừa nhận khả năng này, ông Đông cho biết: “Trong bối cảnh nền kinh tế bước vào hồi phục thì dự kiến năm 2016, tăng trưởng tín dụng ở mức 18 - 20% là hợp lý”.
Lo lãi suất tăng trở lại
Dòng vốn được khai thông mạnh mẽ là một trong những nguyên nhân giúp sản xuất - kinh doanh phục hồi. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng tín dụng, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đã ào ào tăng lãi suất huy động, khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại.
Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, ngân hàng này đã thực hiện nhiều biện pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân.
“Nguồn vốn huy động của Agribank tăng trưởng ổn định, hiện tăng 11,3% so với đầu năm, lãi suất huy động bình quân giảm gần 0,5% so với thời điểm 31/12/2014, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,61% so với đầu năm. Cơ cấu tín dụng của Agribank cũng được duy trì hợp lý, dư nợ trung, dài hạn chiếm trên 37,3%/tổng dư nợ tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư phát triển của khách hàng”, bà Phượng nói và cho hay, lãi suất cho vay của Agribank từ nay đến đầu năm 2016 dự kiến sẽ không tăng, thậm chí có thể điều chỉnh giảm, tùy thuộc vào tình hình thị trường.
Trong khi đó, VietinBank, dù đã tăng nhẹ lãi suất huy động vào đầu tháng 11, song ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, từ nay đến đầu năm 2016, về cơ bản, lãi suất sẽ ổn định.
Bên cạnh lãi suất, một trong những rủi ro của tín dụng hồi phục là nợ xấu tăng. Điều này càng nguy hiểm bởi 10 tỷ USD nợ xấu vẫn đang được “nhốt kho” tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nếu không có những tháo gỡ về pháp lý thì sẽ trở lại bảng cân đối tài sản của ngân hàng sau 5-10 năm nữa.
Tuy vậy, đại diện NHNN khẳng định, sẽ không trở lại thời kỳ tín dụng tăng trưởng nóng. Theo đó, vốn được rót vào các lĩnh vực ưu tiên, hạn chế các lĩnh vực rủi ro. Ông Lê Đức Thọ cũng cho biết,
VietinBank quyết tâm hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng như đã đề ra, nhưng vẫn lựa chọn kỹ khách hàng, phương án khả thi để cho vay, nhằm hạn chế rủi ro.
Thùy Liên

Theo baodautu.vn