Vùng thu hái Chè dây của Traphaco tổng diện tích 35.000 ha tại huyện Sa Pa và huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai



Chè dây có tên khoa học là Ampelopsis cantoniensis (Hook. et Arn) Planch., thuộc họ Nho (Vitaceae). Đây là một loại cây leo, mọc hoang ở trong rừng, được bà con thu hái lá, rửa sạch, sao, ủ và phơi khô rồi đem hãm với nước sôi uống như trà. Chè dây là nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm Thuốc điều trị viêm loét dạ dày Ampelop, đây là một trong những sản phẩm được đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng và bài bản từ nguyên liệu tới sản phẩm hoàn thiện. Chè dây và sản phẩm Ampelop là kết quả của hàng loạt các công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước. Các nghiên cứu được thực hiện từ năm 1993 đều chứng minh thành phần trong lá Chè dây có tác dụng chữa bệnh đau dạ dày.
Từ năm 2013, Traphaco đã liên kết với Viện Dược liệu, cùng hợp tác trong dự án Biotrade, và công ty Traphacosapa nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình thu hái, chế biến và bảo quản dược liệu Chè dây theo GACP - WHO tại xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Hướng đến việc thay vì chặt cây thì chỉ tỉa cành ngắn, vừa đảm bảo nguyên liệu sử dụng là bộ phận lá, và đảm bảo việc khai thác được thực hiện một cách bền vững - khai thác có bảo tồn. Người dân đã được nâng cao nhận thức thông qua các buổi tập huấn của cán bộ Traphaco, hướng dẫn cụ thể thông qua hình ảnh minh họa và trên thực tế, đưa ra tiêu chuẩn về việc chỉ ngắt cành ngắn, thành phẩm Chè khô không quá nhiều cuộng…, bà con nắm bắt quy trình rất nhanh và tuân thủ một cách đầy đủ.
Chè dây là một loại cây dây leo trong rừng, nếu chỉ khai thác mà không bảo tồn sẽ nhanh chóng mất đi một dược liệu quý của Việt Nam. Các cán bộ nghiên cứu của Traphaco không ngừng tìm tòi và đưa ra quy trình trồng Chè dây. Bên cạnh việc thu hái theo GACP - WHO cây Chè dây, công ty Traphaco cũng đã chủ động phát triển các vùng trồng dưới tán rừng để đảm bảo chất lượng, vừa giúp bà con chủ động trong khâu thu hái, vừa góp phần bảo tồn bền vững dược liệu Chè dây. Nhờ việc trồng Chè dây, giúp cho người dân thu hái gần nhà, có thể chế biến tươi, tận dụng thời gian, bớt thời gian phải đi xa. Qua đánh giá độc lập cho thấy, đời sống của người dân trồng và thu hái Chè dây đều nâng cao, thu nhập tăng lên.






Thu hái Chè dây



Trong công tác xây dựng và phát triển vùng trồng, Traphaco dần nâng cấp các tiêu chuẩn kiểm soát. Sự điều chỉnh này nhằm thắt chặt dần việc quản lý và kiểm soát vùng trồng để đảm bảo ổn định, nâng cao số lượng và chất lượng dược liệu phục vụ sản xuất. Công ty đồng thời xây dựng mô hình hợp tác, phối hợp các bên để phát triển vùng trồng dược liệu. Đó là mô hình hợp tác 4 nhà: Nhà nước – Nhà nông – Nhà khoa học – Doanh nghiệp. Do vậy, việc quy hoạch và mở rộng vùng trồng được liệu theo GACP-WHO của Traphaco không những được kiểm soát chặt chẽ mà còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ nhiều đơn vị ban ngành.
Các đề tài, dự án trồng và thu hái dược liệu đã góp phần giáo dục ý thức bảo tồn, phát triển tài nguyên cây thuốc Việt Nam đang bị tàn phá, gìn giữ di sản tri thức y dược học cổ truyền, khuyến khích nông dân trồng dược liệu, không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn có thể giúp bà con làm giàu từ dược liệu. Đây cũng là chiến lược phát triển phù hợp với định hướng chính sách quốc gia về dược giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, trong đó ưu tiên phát triển thuốc từ dược liệu Việt, giảm dần tỷ lệ nhập khẩu dược liệu, tăng tỷ trọng xuất khẩu dược liệu và thuốc từ dược liệu.
Việc trồng và thu hái Chè dây theo chuẩn GACP -WHO đã góp phần đảm bảo nguồn Dược liệu đầu vào ổn định, chất lượng tốt để sản xuất ra các sản phẩm "Quà tặng của núi rừng SaPa" như Trà Dây leo SaPa, Trà Sapamour - Giúp thanh nhiệt, giải độc, an thần, bảo vệ dạ dày.
Đặc biệt Chè dây còn là thành phần chính của thuốc điều trị dạ dày Ampelop, là 1 trong 5 sản phẩm thuốc từ dược liệu của Traphaco được Hội đồng bình chọn - Bộ Y Tế trao danh hiệu "Ngôi sao thuốc Việt" - giải thưởng uy tín nhất của ngành dược dành cho thuốc sản xuất trong nước.
Hồng Anh

Theo baodautu.vn