Sáng mùng 5, lễ hội bắt đầu với các hoạt động hát quan họ, thi nấu xôi... Chiều cùng ngày, hai “ông ỉn” được rước từ nhà nuôi về đình để mùng 6 tháng Giêng, tiến hành nghi thức rước quanh làng, qua nơi tướng Đoàn Thượng chém lợn khao quân sẽ long trọng diễn ra. Đúng giờ Ngọ ngày hôm nay, mùng 6 tháng Giêng (tức 24/2), hai thủ đao sẽ khai đao giữa sân đình và làm cỗ ngọc tế thánh theo nghi thức truyền thống. Lễ hội chém lợn để tưởng nhớ tướng quân Đoàn Thượng đã chém lợn khao quân Mặc dù có khuyến nghị của Tổ chức Động vật châu Á về việc bãi bỏ lễ hội chém lợn, vì tổ chức này cho rằng đây là một nghi lễ dã man. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng chưa ra một quyết định chính thức nào về việc này. Các bô lão của làng cho rằng, lễ hội là việc của làng và nghi thức chém lợn không vi phạm pháp luật nên phải để dân làng tự quyết. “Chúng tôi muốn giữ bản sắc của cha ông”, ông Nguyễn Đình Lợi, Hội trưởng Hội người cao tuổi làng Ném Thượng, Phó ban tổ chức lễ hội chém lợn nói. Được biết, trước Tết, trưởng các dòng họ trong làng Ném Thượng đã họp bàn với nhau và thống nhất sẽ giữ nghi thức truyền thống của cha ông là chém lợn ở sân đình. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản đề nghị Chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong lễ hội. Theo đó, thay vì tục lệ chém lợn giữa sân đình với sự tham dự của đông đảo mọi người, nghi thức này sẽ được chuyển vào một khu vực dành riêng để làm cỗ ngọc tế thánh, hạn chế số lượng người tham gia, đặc biệt không cho phép trẻ em chứng kiến, yêu cầu người dân không dùng tiền nhúng vào máu lợn để “lấy may” gây phản cảm. <em itemprop="author"> Duy Hữu (Tổng hợp)[/I]
Duy Hữu

Theo baodautu.vn