<h1>






(Ảnh minh hoạ)



</h1>


Cháy nắng
Nếu bị cháy nhẹ, bạn nên xoa thuốc làm dịu vết rộp, có thể dùng aspirin hoặc acetaminophen để giảm đau. Đối với vết bỏng nặng do cháy nắng, bạn làm mát bằng nước, không bôi các loại kem hoặc dầu lên da và tìm trợ giúp y tế ngay.
Say nắng
Tương tự say sóng, say nắng xảy ra khi thân nhiệt tăng cao hơn mức bình thường, có thể vì ở ngoài nắng quá lâu. Bạn cần cởi bớt quần áo ngoài và làm mát bằng cách chườm vải, khăn thấm nước lên nạn nhân.
Ngoài ra, bạn có thể dùng quạt để làm mát, liên tục theo dõi tình hình nạn nhân. Cách tốt nhất là gọi hoặc nhờ người tìm trợ giúp y tế để được chăm sóc đúng cách.
Bỏng nắng
Ngay cả trong những ngày nhiều mây, người đi biển vẫn có nguy cơ bị bỏng nắng. Các nha khoa học lý giải điều này là do các bãi biển thường rất hiếm bóng mát, đồng thời cát biển thường có màu trắng và phản chiếu ánh mặt trời nên khả năng da bị tiếp xúc và hư tổn bởi các tia nắng cao hơn bình thường nhiều lần.
Để bảo vệ mình khỏi các tia có hại có trong ánh nắng mặt trời cũng như các mối đe dọa mắc phải bệnh ung thư da, người đi biển cần nhớ luôn phải thoa kem chống nắng. Dù cho kem chống nắng có tính không trôi khi gặp nước thì các nhà khoa học vẫn khuyến cáo bạn nên thoa lại kem sau khi bơi hoặc tham gia vào các hoạt động thể chất đổ nhiều mổ hôi. Để kem chống nắng có thể bảo vệ da bạn một cách tốt nhất, nên thoa kem ngay sau khi ra khỏi phòng tắm khi lỗ chân lông đang mở, cho phép da hấp thu kem dễ dàng.
Chuột rút
Chuột rút làm giảm khả năng bơi lội hoặc nguy hiểm hơn là chết đuối. Nếu đang đằm mình trong dòng nước biển và gặp hiện tượng này, bạn cần bình tĩnh để xử lý.
Trường hợp cơ bụng bị chuột rút, hãy thả lỏng cơ thể trong tư thế dang rộng tay chân. Từ từ hít sâu và dùng tay bấm các huyệt xung quanh, xoa nhẹ nhàng lên vùng chuột rút, sau đó nhờ người đưa lên bờ.
Gặp chuột rút với các vùng khác trên cơ thể, cần tìm cách lên bờ ngay để được chữa trị. Nếu là chuột rút bắp chân, bạn hãy nhỏm dậy duỗi thẳng chân, đứng bằng gót giúp cơ bắp giãn ra. Hoặc bạn nằm xuống, giữ chân thẳng tối đa và nhờ người đẩy mạnh các ngón chân ngược về hướng đầu gối.
Nếu bị chuột rút ở đùi, du khách nên ngồi xuống, nhờ người giúp kéo chân thật thẳng, nâng gót lên, cùng lúc dùng tay ấn mạnh đầu gối xuống. Gặp hiện tượng này lúc đang bơi, hãy giơ một tay kêu cứu, tay kia đập xuống nước giữ cơ thể không bị chìm.
Bị động vật biển đốt
Các vết châm, cắn do cá đuối gai độc, sứa, động vật biển khác gây ra đều rất đau, có thể dẫn tới biến chứng trầm trọng như tê liệt, vấn đề về tim và hô hấp.
Trước hết, bạn cần táp nước biển vào vết thương nhưng không được cọ, sát. Chú ý không dùng nước ngọt hay nước nóng. Khi loại bỏ các xúc tu hoặc phần cơ thể của vật cắn, cần đeo găng tay.
Bước tiếp theo là pha dung dịch gồm 10 phần nước và một phần amoniac, dấm, soda hoặc chất làm mềm thịt (chẳng hạn mì chính), sau đó bôi vào vùng bị thương.
Nếu bị sứa đốt, bạn hãy chườm khăn hoặc đá lạnh lên vết thương trong vòng một giờ đầu tiên để giảm đau. Sau khi vết thương khô, bạn bôi kem gây tê 4 giờ một lần trong vài ngày liên tiếp. Các trường hợp như dị ứng với vết đốt, bị châm vào mặt hoặc cổ, khó thở... du khách nên đến cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
Rơi vào dòng chảy xa bờ
Đây là dòng chảy dài và khá hẹp, từ phía bờ hướng ra biển, còn có tên gọi Rip. Du khách có thể nhận thấy dòng chảy xa bờ bằng mắt thường.
Chúng là dòng nước mạnh, chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng sẽ đánh và đưa nước vào bờ trong khi dòng chảy này liên tục trôi ngược lại. Nơi có dòng chảy xa bờ chủ yếu là vùng nước lặng, màu sậm hơn do độ sâu bất thường và hầu như không có sóng. Trong quá trình đổ vào bờ, sóng xuất hiện một khoảng đứt quãng.
Khi gặp dòng Rip, nạn nhân phải bình tĩnh, bơi song song với bờ biển hoặc thả trôi cơ thể và gọi người cứu. Du khách không nên tắm ở những nơi có sóng tung bọt trắng xóa nhưng đứt quãng.
Dị ứng thực phẩm
Nhiều người thường có một ứng dị ứng với cá biến hay một số lại hải sản khác. Triệu chứng dị ứng thực phẩm có thể bắt đầu bằng đổ mồ hôi, mệt mỏi, đau bụng nhẹ và chuyển dần sang các phản ứng nghiêm trọng như đau bụng dữ dội, buồn nôn, nhức đầu, tê lưỡi. Một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng đau ngực, khó thở.
Khi người thân có biểu hiện bị dị ứng hải sản, cách tốt nhất là kích thích gây nôn để loại phần thức ăn gây dị ứng ra khỏi cơ thể. Những trường hợp nặng, cần nhanh chóng đưa tới bệnh viện để cấp cứu.
Một số thực phẩm ăn cùng hải sản cũng dễ gây nguy cơ ngộ độc, nên hạn chế tuyệt đối. Chúng ta thường có thói quen ăn trái cây sau bữa ăn, nhưng trên thực tế, nếu sau khi ăn hải sản mà lập tức ăn trái cây là không tốt. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự hấp thụ protein, canxi trong hải sản, mà lượng tannin trong trái cây kết hợp với protein và can xi này tạo thành canxi không hòa tan kích thích đường tiêu hóa, thậm chí sẽ gây đau bụng, buồn nôn, nôn mửa.
PV (GTVT)

Theo baodautu.vn