Ca sĩ Thu Phương.






- Lý do gì khiến chị nhận lời về nước tham gia "Giọng hát Việt 2015"?
- Tôi nghĩ, chữ "duyên" và "thiên thời địa lợi nhân hòa" là những yếu tố khiến cho một điều gì đó xảy ra. Hai lần trước, tôi đều được ban tổ chức mời nhưng chưa đúng lúc. Lần này, tôi thu xếp được công việc ở Mỹ và sự hấp dẫn chương trình đủ để tôi nhận lời.
Tôi là ca sĩ thế hệ đàn anh, đàn chị nhưng vắng mặt ở thị trường âm nhạc trong nước khá lâu. Việc chinh phục lại những người từng yêu thương mình và thế hệ trẻ là một thử thách với tôi. Tôi muốn biết rõ hiện tôi đang ở đâu và làm được những gì cho thế hệ mới. Đến mùa thứ ba, tôi đã chuẩn bị tương đối đầy đủ để trở về nước đảm nhiệm vai trò mới.








Thu Phương và chồng - Dũng Taylor - tại buổi họp báo ra mắt chương trình.




- Chị gặp khó khăn gì khi đảm nhận vị trí huấn luyện viên?
- Trước hết, tôi phải sắp xếp công việc ở Mỹ vì những show diễn ở hải ngoại thường ký trước một năm. Tôi phải dời lại toàn bộ lịch diễn của trung tâm mà tôi đang hoạt động cũng như các show cuối tuần.
Khó khăn nhất chính là sắp xếp việc sinh hoạt, học hành của bốn đứa con. Đứa lớn nhất đang học đại học. Đứa bé nhất lại cần tôi có nhiều thời gian bên cạnh. Tôi cố gắng hết sức để khi về nước toàn tâm toàn ý cho Giọng hát Việt, cùng lúc gia đình bên Mỹ được ổn thỏa. Nhưng điều này là hên xui.
- Ngược lại, chị có được những quyền lợi gì từ chương trình này?
- Quyền lợi tôi nhận được từ nhà tổ chức đối với vai trò giám khảo là những thứ căn bản trong công việc. Người nào lao động cống hiến thì sẽ có thành quả xứng đáng.
Về cát-xê, tôi nghĩ đây là một điều tế nhị. Tôi may mắn là không phải thương lượng về tiền bạc. Nếu hỏi tôi đây có phải là yếu tố để suy nghĩ không, thì tôi nói thật lòng là không hề nghĩ đến. Tôi cũng không phải nói chuyện về vấn đề này vì có anh Dũng (Bầu show Dũng Taylor - chồng ca sĩ Thu Phương) lo. Anh là người quản lý tất tần tật những lời mời từ nhiều nơi trên khắp thế giới. Thường thì anh sẽ hỏi tôi có sẵn sàng nhận một chương trình hay muốn đưa ra một cái giá nào không. Nếu tôi nói ổn thì anh ấy thay tôi thương lượng. Tôi hoàn toàn tin tưởng người quản lý này vì anh luôn đặt quyền lợi của tôi là trên hết.
- Khi giành giật thí sinh, mỗi giám khảo sẽ khó tránh khỏi việc động chạm đến đồng nghiệp. Chị đã chuẩn bị tinh thần cho điều đó thế nào?
- Tôi tập trung vào chuyên môn của các thí sinh và thuyết phục họ về đội bằng lời nói. Tôi không chủ trương "dìm" hoặc có những câu nói buồn lòng đồng nghiệp để giành giật thí sinh. Tôi nghĩ điều đó không cần thiết. Hai ngày ghi hình vòng Giấu mặt, mọi việc diễn ra đúng những gì tôi chuẩn bị. Các huấn luyện viên còn lại cũng rất vô tư và giữ mình trong lời ăn tiếng nói.
- Tiêu chí mà chị bấm nút để chọn thí sinh về đội mình là gì?
- Yếu tố đầu tiên là khả năng về chuyên môn và giọng hát. Tôi chưa nói đến kỹ thuật mà là kỹ năng xử lý bài hát hoặc có tố chất để điều khiển giọng hát. Bên cạnh đó, tôi quan tâm về tính thẩm mỹ âm nhạc, cách các em lựa chọn ca khúc. Sự chuyển tải cảm xúc âm nhạc đến với khán giả là yếu tố thứ ba. Đến bây giờ, tôi rất vui vì mình có được những lựa chọn đúng đắn.
- Chị tiết lộ gì về khả năng của 11 thí sinh trong đội?
- Tất cả các em đều có màu sắc khác nhau. Có một trường hợp đặc biệt mà tôi chú ý là Kiều Anh. Em ấy cũng tham gia một vài cuộc thi và được truyền thông biết đến. Em ấy có giọng ca lạ, hát ả đào, ca trù và world music. Trong vòng Đối đầu, tôi sẽ có một sự kết hợp giữa rock, hát ả đào và word music. Tôi nghĩ nó sẽ mang lại cho khán giả màn trình diễn hấp dẫn mới mẻ.
Thí sinh lớn tuổi nhất cũng chỉ bằng con trai đầu của tôi. Vì vậy, chúng tôi chia sẻ mọi thứ về nghề nghiêp, cuộc sống. Sau cuộc thi, dù thí sinh của tôi có đạt thứ hạng cao hay không thì tôi cũng hy vọng, họ sẽ trở thành đồng nghiệp trên sân khấu trong nước lẫn hải ngoại của mình.
- Hoạt động ở hải ngoại một thời gian dài, chị làm sao để cập nhật thị hiếu của khán giả trong nước mà giúp các thí sinh?
- Tôi nghĩ nghệ sĩ trẻ bây giờ rất giỏi. Nhiều người được đào tạo bài bản, tự chơi nhạc cụ để hát. Họ biết chuẩn bị cho mình một hành trang vào nghề. Điều này hơn hẳn thế hệ đi trước. Tôi chỉ hơn họ ở chỗ có nhiều kinh nghiệm đứng trên sân khấu, đủ trải nghiệm để giúp các thí sinh biết cách vượt qua khó khăn.
Tôi chuẩn bị hai năm xem lại hết tất cả chương trình thực tế ở Việt Nam, các chương trình âm nhạc, nghệ thuật. Tôi nghe rất nhiều giọng ca trẻ bây giờ để biết thị hiếu âm nhạc của khán giả trong nước đến đâu và họ đang muốn gì. Tôi thuộc nhiều ca khúc mới mà ngay cả giám đốc âm nhạc cũng phải ngạc nhiên. Tôi đã tìm được một êkíp hỗ trợ đủ để cho những thí sinh trong đội tôi tiến lại gần ước mơ hơn. Ở vòng Đối đầu, tôi chọn chị Hồng Nhung hỗ trợ kỹ thuật thanh nhạc cho các em. Tôi muốn 11 thí sinh đều có nền tảng vững chắc.
- Ngoài dạy về chuyên môn, chị sẽ dạy gì cho các thành viên của đội mình?
- Ngày đầu tiên gặp các thí sinh của mình, tôi chỉ nói với các em đúng một điều: một người để trở thành ca sĩ rất đơn giản, chỉ cần biết hát, biết tiếp cận công chúng, mặc quần áo đẹp. Còn để trở thành một nghệ sĩ thực thụ thì người đó phải biết giữ hình ảnh dẹp của mình, giá trị công việc ra sao và sống phải tử tế, giữ đạo đức trong nghề nghiệp. Các thí sinh của tôi đều hiểu được điều đấy.

Tâm Giao (vnexpress)

Theo baodautu.vn