Những ngày này, dù ở đầu đường, ngõ hẻm hay dưới ruộng, ngoài chợ… đâu cũng nghe người ta nói chuyện bơi lội với niềm say mê thích thú đến lạ thường. Miệt sông nước Cửu Long - vốn bình dị và yên ả - bỗng “dậy sóng” từ “hiệu ứng Ánh Viên”…




Bỗng dưng thích bơi lội!
Con rạch Ba Cau sâu hun hút chia cắt địa bàn xã Giai Xuân (Phong Điền) và phường Long Tuyền (Bình Thủy). Nó vốn dĩ cũng bình thường như bao con rạch khác, nhưng mấy bữa nay bỗng dưng nổi tiếng lạ thường!
Anh Trần Văn Công (phường Long Hòa, Bình Thủy) cách đó gần 5km, kể: “Mới bữa trước chứ đâu, chỉ trong buổi sáng, mà có đến cả chục người ghé hỏi đường vô rạch Ba Cau. Thấy lạ, tui hỏi muốn kiếm nhà ai, họ nói kiếm nhà Ánh Viên. Nghiệm một hồi tui mới nhớ ra con bé thi bơi lội đang thắng tưng bừng ở SEA Games để chỉ đường cho họ. Mà con bé giỏi thiệt, bơi mà cứ như chạy bộ, cứ đua là thắng!”.
Thật vậy, người viết thử tra Google cụm từ: “Bơi lội rạch Ba Cau”, lập tức cho khoảng 68.000 kết quả trong 0,56 giây. Trong đó, những trang đầu hiện ra vô số liên kết đến dẫn các thông tin, bài viết về câu chuyện Ánh Viên học bơi tại con rạch này từ thuở nhỏ.
“Lần đầu xuống nước, con bé cứ thét điếng: Ông ơi, cứu con với, rồi uống hết mấy bụng nước. Tui nói: Hổng bơi vô thì chết đuối ráng chịu. Vậy mà nó bơi ngọt ơ. Tui cũng hổng ngờ, cháu mình và con rạch heo hút của xứ này giờ lại nổi danh như vậy” - ông Nguyễn Văn Tới (ông nội Ánh Viên) vui vẻ nói.
Chú Út Năm (xã Giai Xuân) không giấu niềm phấn khởi: “Ở những vùng quê, nông thôn miền Tây, nếu muốn tìm nhà ai mà hỏi tên mấy đứa nhỏ thì coi như vô phương. Người ta chỉ biết tên của người lớn, nên muôn kiếm nhà phải hỏi: Ông Ba, ông Tư… gì đó. Vậy mà hổm rày, khách xa đến, cứ hỏi nhà Ánh Viên là gần như ai cũng biết và chỉ đường vanh vách”.
Nghĩ cũng lạ, ở cái nơi mới 7 giờ tối là đường xá vắng hoe, nhà nhà đóng cửa tắt đèn, nay bỗng rộn ràng như trẩy hội. Nói như anh Nguyễn Văn Vĩnh (hàng xóm của Ánh Viên), thì dân ở đây đều làm nông, trước giờ chẳng ai mặn mà với thể thao, có xem thì cũng chỉ xem bóng đá. “Từ bữa cháu Viên phá hàng loạt kỷ lục SEA Games, gom gần hết huy chương vàng, dân xứ này bỗng “nổi cơn” thích môn bơi lội. Cứ tối tối, là năm bảy người gom lại, hôm thì bình trà, dĩa bánh; bữa cao hứng thì “lai rai” vài xị rượu đế; vừa coi tivi vừa bình luận, giờ ai cũng “nghiện” bơi lội hết. Hai năm trước, Ánh Viên cũng phá kỷ lục SEA Games, nhưng tạo ra cái không khí sôi nổi như hổm rày thì chỉ năm nay mới có”.
“Trong nhà có máy vi tính, nhưng hổng ai biết xài, nên tui phải theo dõi lịch thi đấu trên truyền hình. Cũng may, lúc ra đường gặp mặt, cũng có khi bà con hàng xóm gọi điện cho hay là chiều nay Ánh Viên sẽ thi đấu lúc mấy giờ. Thấy ai cũng quan tâm và cổ vũ cho con mình, tui mang ơn lắm” - anh Nguyễn Văn Tác, cha của Ánh Viên chia sẻ.
Những ngày này, khi Ánh Viên còn đang bận bịu với SEA Games, thì nơi quê nhà, gia đình cũng “căng sức” ra để… tiếp báo chí. Lúc châm trà, đãi bánh, lúc lại quay phim, chụp hình… “Hễ mở mắt ra là thấy nhà báo đến, vợ chồng thằng Tác chạy bù đầu bù cổ. Nghe nói, mấy bữa nữa, Ánh Viên sẽ thăm nhà, lúc đó, chắc xóm này náo nhiệt lắm” - anh Nguyễn Văn Vĩnh cho biết thêm.








Giây phút hào hứng, sôi nổi xem Ánh Viên thi đấu qua màn hình





\r
Con ngoan, cháu hiếu…
Từ ngày còn chạy nhảy tung tăng, tuổi thơ của Ánh Viên đã khiến không ít người xúc động. Người dân trong ấp Ba Cau vẫn còn nhớ như in hình ảnh Viên vừa đi học về là quăng vội cặp sách để ra vườn phụ giúp cha mẹ. “Bữa thì hái đu đủ, hôm thì đi đặt lờ bắt cá, miễn rảnh là cháu nó phụ giúp việc nhà. Sợ ảnh hưởng việc học, ai cũng kêu nghỉ ngơi để ôn bài, nhưng nó một mực không chịu” - ông nội Ánh Viên bộc bạch.
Ngồi trên chiếc võng trước nhà, bà Võ Thị Bảy (72 tuổi, bà nội Ánh Viên) như muốn tránh đi vì… sợ báo chí. Bà kể mà khóe mắt rưng rưng: “Thấy mấy cô cậu tới phỏng vấn, chụp hình tui mừng lắm, vì biết cháu mình đã có được vinh quang. Nhưng hễ nhắc tới nó là tui lại nhớ và buồn lắm, không chịu nổi. Lần nào nó về thăm nhà cũng nói: “Bà nội ơi, bà đừng già nữa nghen, bà già như vậy được rồi, để con đi mần kiếm tiền nuôi bà cho bà khỏi vất vả nữa”.
Ánh Viên về Trung tâm TDTT quốc phòng 4 lúc 10 tuổi. Những ngày đầu, nhớ con không chịu nổi, đêm nào, vợ chồng anh Tác cũng lấy chiếc xe máy “cà tàng”, vượt hàng chục cây số đường đến thăm con, cho đến tận khuya mới về. Hơn ai hết, Ánh Viên hiểu được thế nào là nỗi nhớ thương của ông bà, cha mẹ. Với em, niềm đau đó cũng nhân lên gấp bội.
“Ở cái tuổi cần sự quan tâm, chăm sóc của người thân thì cháu nó phải xa gia đình. Nhưng con bé có nghị lực lắm, luôn phấn đấu, vượt qua những thiệt thòi tuổi thơ để vươn tới những khát khao hằng ấp ủ” - chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (mẹ Ánh Viên) tâm sự. “Cứ về nhà là Ánh Viên hỏi thăm sức khỏe từng người. Thấy tui còn hút thuốc lá, nó lại trách móc, làm tui phải nhịn và tìm chỗ để giấu” - cha Ánh Viên chia sẻ thêm.
Một gia đình đáng ngưỡng mộ
Ấp Ba Cau một thuở phải chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh. Sau ngày giải phóng, cuộc sống người dân còn lắm cơ cực và nghèo khó. Cũng bởi vậy, năm học lớp 6, anh Nguyễn Văn Tác đã phải bỏ dở việc sách đèn, phụ gia đình lo kế sinh nhai. Đến khi anh cưới vợ, cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Ngày đó, vợ chồng anh chỉ biết bám vào mảnh vườn trồng đu đủ và dưa hấu để mưu sinh. Nhưng hết sâu bệnh hoành hành, lại gặp cảnh thất bát triền miên, khó càng thêm khó. Từ ngày Ánh Viên đi bơi lội, tất cả tiền lương, tiền thưởng em đều gửi về cho gia đình, nhờ đó cuộc sống nơi quê nhà đã khá hơn.
“Cũng nhờ Ánh Viên mà gia đình thằng Tác giờ khá lắm. Tuy nhiên, điều khiến bà con xung quanh quý trọng là cuộc sống của họ vẫn rất bình dị, không hề có chuyện tiêu xài phung phí. Không tin, mấy chú cứ đi hỏi, vợ thằng Tác mỗi ngày ra chợ vẫn đạp chiếc xe cũ nát. Thậm chí, từ lúc có tiền, họ làm lụng vất vả gấp đôi ngày trước” - anh Nguyễn Văn Vĩnh bình luận về hàng xóm.
Với khoảng 5 công đất trồng màu trước đây, giờ anh Tác đã lên bờ, trồng 1.500 gốc cam cùng hàng hàng chục gốc sầu riêng, chuối, cau… Chưa hết, những khoảng đất gần nhà, anh trồng gừng, rau… và tận dụng một diện tích nhỏ nuôi heo, nuôi gà vịt. Loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết: “Mở mắt ra là ổng đã ra vườn, có khi không kịp tôi rang cơm cho ổng ăn. Công việc bận rộn lắm, khi thì tưới cây, cắt tỉa cành, bón phân… Nó đã như ăn sâu vào máu rồi, nên giờ mà kêu ổng nghỉ làm, nằm một chỗ có khi lại đổ bệnh. Riêng tui, sáng thì đi chợ, lo cho ông bà nội Ánh Viên xong là bắt tay vào chăm sóc đàn heo, đàn gà… Mọi chuyện xong hết rồi mới lo đến chuyện cơm nước. Nếu có thêm thời gian rảnh thì ra vườn phụ làm cỏ với ông nhà, chứ rảnh tay, rảnh chân là không chịu được”.
Dù tuổi già bóng xế, nhưng mỗi ngày cụ Tới vẫn đi lại tới lui kiếm việc lặt vặt để làm cho đỡ buồn. Còn cụ Bảy cặm cụi chẻ từng trái cau lấy ruột rồi mang phơi để ăn với trầu. Phút chốc bà lại đứng dậy mang cái mâm chứa những cọng màu trắng ra chỗ nắng. Bà nói đó là khoai cao được bà cắt mỏng, phơi khô để dành chiên ăn vào buổi trưa cho đỡ buồn miệng, thỉnh thoảng bà lại lấy kim chỉ ra để thêu thùa may vá.
Ngày 6.6, trong lúc truyền thông và người hâm mộ dậy sóng khi Ánh Viên liên tiếp phá kỷ lục và đoạt 2 huy chương vàng SEA Games, tôi đã tìm cách liên hệ với gia đình thì mới biết anh Tác vẫn còn đang bận làm ruộng giúp người thân ở tận Phụng Hiệp (Hậu Giang). “Ngày trước nghèo khổ, nên họ hiểu thế nào là vất vả để làm ra đồng tiền, bát gạo. Do vậy, họ rất trân trọng thành quả mà con mình đã phải hy sinh rất nhiều mới có được” - một hàng xóm của anh Tác nói. Những tràng vỗ tay rộn rã vang lên khi mọi người quay quần bên màn ảnh tivi xem bản tin phát lại thời khắc Ánh Viên lập kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”. Niềm vui sướng ấy không chỉ riêng ở gia đình em hay người dân ấp Ba Cau, mà đó là niềm tự hào của nền thể thao đất nước…

PV (LĐO)

Theo baodautu.vn