Nhưng trò vui này lại đang bị cho là lố lăng, phản cảm, khi nhiều bạn trẻ thản nhiên cho đi nụ hôn không đúng người, đúng địa điểm và chẳng hề phù hợp với văn hóa người Việt xưa nay.
Kiss Cam - Trào lưu thành biến tướng!
Những đoạn clip chia sẻ hành động đi cưỡng hôn người lạ mặt xuất hiện ngày càng nhiều và được các bạn trẻ chia sẻ rầm rộ trên mạng những ngày qua. Trong đó, có những khuôn mặt hồ hởi, đầy thỏa mãn khi vừa được hôn, đối lập lại là ánh mắt sợ sệt, ngơ ngác, lẫn hoảng sợ của những người bị cưỡng hôn. Nó đang được ví là trào lưu mới của giới trẻ với tên gọi Kiss Cam và đón nhận những ý kiến trái chiều từ dư luận.
Kiss Cam không phải do các bạn trẻ Việt Nam nghĩ ra mà là học theo trào lưu Kiss Cam và Fist Kiss của Mỹ và Canada. Ý tưởng nguyên sơ của Kiss Cam là chĩa camera hướng đến cặp đôi khán giả đang xem thể thao để họ thể hiện tình cảm bằng cách trao cho người kia nụ hôn thể hiện sự gắn bó, thân thiện.









Cưỡng hôn trên đường - trào lưu mới đang được một bộ phận giới trẻ hào hứng tham gia.




Nhưng để tránh sự phản cảm, nhà đài thường chọn các cặp đôi yêu nhau để không làm nhân vật thấy khó xử. Về đến Việt Nam, Kiss Cam được các bạn trẻ biến tấu , “sáng tạo” để mang “âm hưởng đường phố” cho có chút tự nhiên, hoang dã. Nghĩa là, sẽ phải chạy ra nơi công cộng, chốn đông người rồi bất ngờ xoay đầu, xoay cổ người lạ hôn trộm rồi chạy thật nhanh bỏ lại ánh mắt ngơ ngác, lẫn hoảng sợ của người bị hôn.
Xuất hiện từ khá lâu nhưng gần đây trào lưu này có khuynh hướng "khuấy đảo" trong giới trẻ. Các bạn trẻ rủ nhau đi thành nhóm để thực hiện Kiss Cam rồi quay clip chia sẻ trên Youtube, Facebook. Người "khơi mào", thực hiện Kiss Cam tại Việt Nam là hot girl Huyền Anh. Với trang phục gợi cảm, Huyền Anh ra đường và đến gần 10 chàng trai rồi thực hiện hành vi “cưỡng hôn”.
Sau đó các bạn trẻ ở Sài Gòn hưởng ứng nhiệt tình, lập thành những nhóm cả nam và nữ để mang “nụ hôn bất ngờ” đi dành tặng những người lạ ở nơi công cộng. Giới trẻ miền Bắc cũng đang rục rịch hưởng ứng Kiss Cam và bắt đầu xuất hiện không ít clip khoe chiến tích trên mạng xã hội.
Đạo diễn trẻ Đoàn Ngọc Minh – người thực hiện clip Kiss Cam với những màn hôn trộm cả những cô gái khi họ đang ngồi tâm sự với người yêu – đã biện minh rằng đây là một trào lưu vui nhộn, là cách để con người sống cởi mở hơn: “Chính vì tâm lý e dè, ngại ngùng của các bạn trẻ Việt khi thể hiện tình cảm nên nhóm mới quyết định đi tiên phong cho trào lưu Kiss Cam. Clip cũng là cách giúp mình cập nhật xu hướng thế giới, tập sống thoải mái, vui vẻ và hợp với xu hướng thời đại. Chúng tôi mong mọi người hãy cởi mở, xích lại gần nhau hơn”.
Còn khi được cho xem clip Kiss Cam do một nhóm bạn trẻ Sài Gòn thực hiện, chị Lê Tâm – giáo viên Trường mầm non Tam Hiệp (Hà Nội) đã phải thốt lên: “Nụ hôn vốn rất thiêng liêng với người Việt. Nó thể hiện tình cảm, sự gắn bó, tình yêu thương nhưng được thực hiện với người thân, người mình thương yêu và nó thể hiện văn hóa cho – nhận của người Việt. Cho và nhận sao cho văn minh, chứ hành động cưỡng hôn người khác của những bạn trẻ này giống như đi “ăn cướp”, xa hơn là quấy rối người khác. Tôi nghĩ đây không phải một trào lưu mà là một trò biến tướng, lố lăng”.
Nhắm mắt chạy theo trào lưu
Đây không phải lần đầu tiên giới trẻ Việt “phát cuồng” theo những trào lưu của nước ngoài. Trước đó, đã từng có trò Thách nhau dội nước đá, hóa trang thành Võ Tắc Thiên hay mới đây nhất là “vòng tay chạm rốn”. Có điều khi về đến Việt Nam, các bạn trẻ một là cứ “nhắm mắt” chạy theo trào lưu dù nó không phù hợp với văn hóa Việt, hai là nghĩ ra đủ trò biến tướng theo hướng phản cảm để làm cho “độc”, cho vui.









Một thời trào lưu dội nước đá cũng từng làm "nóng" dư luận tại Việt Nam.




Suốt năm 2014, trào lưu "dội nước đá" “làm mưa làm gió” trên khắp thế giới. Tất cả mọi người và đặc biệt là những ngôi sao nổi tiếng đều hào hứng tham gia thử thách nhằm ủng hộ gây quỹ giúp đỡ các bệnh nhân mắc ALS (xơ cứng teo cơ một bên). Người bị thách đố sẽ được lựa chọn giữa việc quyên tiền cho một tổ chức từ thiện hoặc tắm nước đá. Nhưng từ một trào lưu từ thiện, dội nước đá khi về đến Việt Nam đã biến thành "trò" giải trí đơn thuần, vô bổ, không ai quyên góp tiền, mà còn bất chấp nguy hiểm để dội nước lạnh lên đầu chỉ vì thích “tự sướng”, quay clip để khoe.
Đầu năm 2015, cơn sốt hóa thân thành Võ Tắc Thiên cũng khiến giới trẻ Châu Á phát cuồng. Khi lan đến Việt Nam, các bạn trẻ dễ dàng đón nhận và lại xuất hiện những biến tướng.









Trò biến tướng của trào lưu hóa thân thành Võ Tắc Thiên.




Sao đua nhau “hóa” Võ Tắc Thiên, fan cũng a dua chạy theo tạo thành cơn sốt quái dị, trai làm, gái hóa thân, người lớn thích và lôi theo trẻ nhỏ để chạy theo cơn sốt. Rồi sau đó xuất hiện cả những phiên bản động vật hóa thân thành Võ Tắc Thiên. Đến nỗi ca sĩ Tuấn Hưng, diễn viên Lan Phương phải gay gắt cho rằng đây là trò vui vượt giới hạn, khi nó xuyên tạc nhân vật lịch sử, cổ súy cho hình tượng văn hóa ngoại lai.
Đầu tháng 6 vừa qua, “cơn sốt” của trào lưu "vòng tay chạm rốn" cũng len lỏi khắp nơi và được giới trẻ Việt hưởng ứng nhiệt tình. Không ít sao Việt cũng tham gia để khoe thân hình đẹp, vòng eo chuẩn. Nhưng dường như cũng theo “quy luật”, không lâu sau đó “vòng tay chạm rốn” đã bắt đầu xuất hiện những biến tướng phản cảm, khi các bạn trẻ đua nhau “khoe tài” vòng tay chạm đủ các bộ phận khác nhau trên cơ thể mình.
Và giờ là đến Kiss Cam. Giới trẻ Việt học hỏi rất nhanh các trào lưu của thế giới, có điều lại không biến nó thành “phiên bản Việt”, mà thích sáng tạo theo hướng nghĩ ra những “phiên bản quái”. Khi xem những clip về Kiss Cam được các bạn trẻ tung lên mạng, không ít người thấy khó chịu và lo sợ. Một phần khi hôn sẽ vô tình truyền virus, mầm bệnh cho người khác qua đường nước bọt, phần nữa Kiss Cam bị cho là phản cảm vì thực hiện không đúng chỗ, đúng nơi.
"Văn hóa Á Đông không ủng hộ chuyện công khai hôn nhau ngoài đường, huống gì là hôn người khác trái ý muốn của họ. Mọi hành động trao đổi tình cảm phải được sự đồng thuận từ hai phía. Không thể cứ nghĩ làm điều đó vì mình thấy vui, giải tỏa áp lực là đua nhau làm. Việc các bạn trẻ làm theo những trào lưu của thế giới là điều đáng hoan nghênh, nếu nó phù hợp với con người, văn hóa Việt Nam. Còn việc chạy theo trào lưu nhưng lại không tiếp thu chọn lọc, hoặc "sáng tạo" ra những trò biến tướng sẽ vô tình làm những trào lưu tốt đẹp thành trò lố và hình ảnh người trẻ sẽ trở nên xấu xí hơn" - Á hậu Huyền My nói lên suy nghĩ của mình về cách các bạn trẻ Việt ứng xử mỗi khi có những trào lưu trên thế giới tràn vào.
Bích Hà (LĐO)

Theo baodautu.vn