"Cô giáo nhí" Tráng Cà Sơ và lớp học bên tấm cửa gỗ đã mục làm bảng.\r



Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ chênh vênh bên sườn núi, hàng ngày đều đặn vang lên tiếng ê a học vần của những đứa trẻ. Nơi đó, chính là lớp học đặc biệt của “cô giáo nhí” Tráng Cà Sơ (Học sinh lớp 7B - Trường THCS Y Tý - Lào Cai). Và học trò không ai khác là bốn đứa em của Cà Sơ.
Lấy tấm cửa gỗ đã mục làm bảng, từng mẩu phấn vụn em nhặt về từ trường và cây que tháo ra từ bờ rào, chỉ từng ấy thôi, nhưng Tráng Cà Sơ vẫn dạy được cho 4 đứa em thơ của mình biết đọc biết viết. Nhà nghèo, bố mẹ lại bận việc, Tráng Cà Sơ không chỉ là người chị cả quán xuyến mọi việc nhà, mà còn là cô giáo được các em thơ hết lòng kính trọng và yêu mến. Nhìn năm chị em Tráng Cà Sơ yêu mến đùm bọc nhau, có lẽ nhiều người sẽ tự có cho mình định nghĩa mới về sự yêu thương.
Cũng tương tự như Cà Sơ, “cô giáo nhí” Trần Thị Hà Nhi (học sinh lớp 5A, trường Tiểu học Thanh An, huyện Thanh Chương, Nghệ An) mới 10 tuổi cũng “mở lớp” cho các em ruột của mình.
Hằng ngày, hai chị em dắt nhau đi đến trường. Con đường “chỉ” gần 2km, hai chị em lóc nhóc đi như hai cây nấm. Ba em đi làm bị tai nạn lao động, giờ mất sức, chỉ ở nhà trông con. Lao động chính là mẹ của Hà Nhi, cũng chỉ làm ruộng rồi làm thuê suốt ngày để nuôi đủ cả nhà 6 miệng ăn. Các việc trong nhà do cô bé lớp 5 quán xuyến hết, từ việc nấu cơm, tắm rửa 3 đứa em, rồi cho các em chơi. Trò chơi thích nhất của 4 chị em là buổi chiều kê gạch ngồi ở sân để chị Nhi dạy học. Cánh cửa chi chít những nét viết của bài toán, bài đánh vần.






Em Trần Thị Hà đang dạy cho các em của mình.\r



“Con cũng thích đi học lắm, nhưng nhà con nghèo, con sẽ nhường cho em thứ hai đi học. Con biết ba mẹ thương con nhiều, nên con sẽ chẳng buồn đâu”, cô bé 10 tuổi nói đến đây thì nghẹn lại, mắt đỏ hoe muốn khóc.
Có lẽ giấc mơ trở thành một cô giáo thực sự của Nhi còn khá xa. Ở xứ miệt rừng này con đường đến trường của học sinh không chỉ bị bủa vây vì cái nghèo, cái đói còn bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Mùa khô nắng bỏng rẫy, mùa mưa lụt lội liên miên. Đây cũng là nguyên nhân giải thích vì sao, con em của đồng bào ngại đến trường, đến lớp. Mùa mưa lũ đến là bao nỗi lo lại ùa về với người dân nơi đây.
Tráng Cà Sơ và Trần Thị Hà Nhi là hai trong số hơn 26.000 trường hợp nhận học bổng Vì em hiếu học của Tập đoàn Viettel trong năm 2014 – 2015. Phần quà ấy có lẽ chưa đủ để thay đổi cuộc đời các em, nhưng đó là sự quan tâm, là nguồn động lực để các em tiếp tục nuôi ước mơ dạy “con chữ” cho những người em của mình, và trở thành cô giáo trong tương lai.
Với các em nhỏ nơi đây, chỉ học được con chữ thôi đã là cả một nỗ lực tột bậc rồi. Cuộc sống của các em thiếu thốn quá nhiều. Mỗi ngày phải trèo đèo, lội suối hàng chục cây số, thậm chí phải đối mặt với cái đói, cái rét. Nhưng mỗi em đều có ước mơi, dù nhỏ nhoi, nhưng ước mơ nhỏ bé ấy cần sự quan tâm.
Chương trình học bổng "Vì em hiếu học" được triển khai từ năm học 2014 – 2015 trên cơ sở phối hợp giữa Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Bộ GD&ĐT, Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam.\r\rTheo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 học sinh bỏ học. Trong đó, đa phần các em đang sinh sống ở khu vực miền núi, nơi có điều kiện và hoàn cảnh sống còn nhiều khó khăn. Bên cạnh tình trạng các em phải bỏ học vì gia đình quá nghèo, nhiều em nhỏ khác dù vẫn được đi học nhưng điều kiện sống vô cùng thiếu thốn. Chương trình “Vì em hiếu học” khởi động ngay khi năm học mới bắt đầu với mong muốn trang bị cho các em dụng cụ học tập, sách vở, đồng phục và xe đạp để các em tới lớp, động viên kịp thời các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục con đường học tập.\r\rTrong năm học 2014 - 2015, Chương trình đã trao 26.400 suất học bổng. Dự kiến năm học 2015 – 2016 sẽ trao tiếp 26.380 suất cho các em học sinh nghèo trên cả nước. Tập đoàn Viettel cũng cam kết đồng hành hỗ trợ với trẻ em nghèo Việt Nam trong 10 năm (2014 - 2024) với kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 260 tỷ đồng.
Tú Ân

Theo baodautu.vn