• Viết bình luận


Neetu đại diện Ấn Độ tham gia giải đấu World Championships Junior ở Brazil vừa qua.

Lấy chồng từ thuở 13
Neetu sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng xa xôi ở bang Haryana phía Bắc Ấn Độ. Trả lời tờ Hindu Times, Neetu cho biết, cô buộc phải kết hôn với người đàn ông 43 tuổi khi mới 13 để lấy tiền trả món nợ cho gia đình. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau khi kết hôn, Neetu quyết định bỏ người chồng thứ nhất và một thời gian ngắn sau thì tái hôn với người chồng thứ hai. “Khi đó tôi mới 13 tuổi. Trong vòng một tuần, tôi đã suy nghĩ và có quyết định hết sức táo bạo. Sanjay - người chồng thứ hai - đã đến như một vị cứu tinh”, Neetu nói.
Neetu sinh được hai cậu con trai kháu khỉnh khi mới 14 tuổi. "Tôi có niềm đam mê thể thao từ khi còn nhỏ nhưng không có cơ hội để thực hiện ước mơ của mình. Tôi đã trở thành một người mẹ ở tuổi 14 và điều kiện tài chính của gia đình không cho phép tôi nghĩ về thể thao vào thời điểm đó”, Neetu nói. Neetu bắt đầu tham gia tập luyện môn vật khi 15 tuổi. Ban đầu, nhiều người lớn tuổi trong làng cấm Neetu đến "akhara" - một khu vực tập luyện dành cho các đô vật nam vì cô là nữ giới. Gia đình Neetu cũng không muốn cô tập luyện môn thể thao của nam giới này. Neetu đã phải trốn gia đình đi tập từ lúc 3h sáng và trở về nhà trước khi mọi người tỉnh dậy.
Tấm huy chương đầu tiên
Hiện nay, Neetu 21 tuổi và niềm đam mê thể thao vẫn còn cháy bỏng. Ngoài những giờ tập luyện và thi đấu, Neetu phải làm ruộng, may quần áo để kiếm thêm thu nhập. Neetu cho biết, cô thường nói dối mình là học sinh để tiết kiệm tiền vé xe bus từ ngôi làng cô sinh sống đến TP.Rohtak để tập luyện hàng ngày. “Được các huấn luyện viên khuyến khích, tôi đã quyết định theo đuổi đam mê của mình. Tôi bắt đầu tập luyện môn vật vào năm 2011 và năm 2014, tôi đã giành tấm huy chương đầu tiên. Đó là huy chương bạc giải vô địch quốc gia", Neetu nói.
Khi Neetu mang huy chương trở về làng cũ, các già làng đã nói rằng, cô đã làm thay đổi diện mạo của làng. Mới đây, Neetu còn là đại diện của Ấn Độ tham gia giải vô địch vật thế giới - World Championships Junior ở Brazil - vào tháng 8.2015. Mặc dù không giành được huy chương nhưng Neetu vẫn được truyền thông Ấn Độ ca ngợi như một người hùng, hình ảnh phụ nữ dám “vượt lên số phận”. HLV Mandeep Singh nói rằng, những gì Neetu đạt được mới chỉ là khởi đầu. "Cô ấy không bao giờ bỏ phí thời gian. Cô ấy làm việc rất chăm chỉ luyện tập và nếu có thể cải thiện kỹ thuật, Neetu sẽ đạt được nhiều thành tích tốt hơn trong thời gian tới”, ông Mandeep Singh nói.



Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hiện nay, Ấn Độ vẫn là quốc gia có số “cô dâu 8 tuổi” cao nhất thế giới, chiếm khoảng 1/3 số lượng toàn cầu. Độ tuổi hợp pháp để kết hôn ở Ấn Độ là 18 tuổi đối với nữ giới và 21 tuổi đối với nam giới. Tuy nhiên, theo thống kê, 47% cô gái Ấn Độ kết hôn trước 18 tuổi mặc dù số kết hôn trước 15 tuổi đã giảm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn ở Ấn Độ là do tình trạng mất cân bằng giới tính.




Tường Phạm (LĐO)

Theo baodautu.vn