Đồ Haute Couture thu hút sự quan tâm, tò mò của giới mốt cả trên sàn diễn lẫn trong các xưởng may. Đây là nơi những đôi tay miệt mài kết từng bông hoa từ lông vũ hay thêu hình trên mỗi thước vải. Khi nhắc về Haute Couture, ba nhà mốt tiêu biểu là Valentino (Italy), Dior và Gaultier (Pháp). Để tạo ra những bộ trang phục cao cấp chỉn chu trên sân khấu, xưởng may đồ cao cấp của họ đều phân thành nhiều khu, nhóm làm việc theo chuyên môn, trật tự và khoa học.
Trong xưởng may của Valetino, không khí làm việc diễn ra yên tĩnh. Diana Bouifaci (trái) là một nghệ nhân kỳ cựu đã làm việc trong xưởng suốt 12 năm. Ngồi bên cạnh bà là Federica - một người học việc mới vào làm từ đầu năm 2015.






Hai người thợ may đang ráp một bộ đầm thêu ren và đăng ten trên người mẫu thử đồ.






Phần gấu váy của toàn bộ các thiết kế tại Valentino đều được yêu cầu may bằng tay.






Đỉnh cao của Haute Couture nằm ở tính thủ công trong từng chi tiết nhỏ nhất. Điều này được lý giải rằng kỹ thuật thủ công sẽ tạo nên tính chính xác của trang phục theo ý muốn của nhà thiết kế. Đồng thời, mỗi bộ cánh mang tới trải nghiệm duy nhất bởi không có hai bông hoa hay hình thêu nào giống y nhau như dệt máy.






Không gian của xưởng may nhà Gaultier. Tầng gác lửng là nơi các thực tập sinh làm việc. Tất cả tập đính từng viên pha lê Swarovski lên hình mẫu thiết kế có sẵn.






Nghệ nhân Lydie Brochot là một trong những thợ chính đứng đầu xưởng may của Gaultier. Bà đang chăm chú khâu một chiếc váy tinh xảo.






Thợ may Heloise Mantel (phải) và thực tập sinh Sami Nouri cùng chỉnh hai phần tay áo kiểu thủy thủ trong một thiết kế.






Maimouna Kamagate là người chuyên nghiên cứu về đồ lông thú.






Nghệ nhân Claudie Linchet (58 tuổi) đang hướng dẫn cách dựng phom dáng của một món phụ kiện đội đầu - điều không thể thiếu trong các bộ sưu tập của Gaultier.






Đến với xưởng may đồ couture của Dior, dưới sự hướng dẫn của bà Patricia (phải) - nghệ nhân đã làm việc ở nhà mốt Dior gần 25 năm, anh Valentin (22 tuổi) từng bước tạo nếp xếp ly cho mảnh vải lanh. Kỹ thuật này giúp tạo độ phồng cho thân váy.






Nghệ nhân Monica đang may lớp trong của một chiếc đầm đuôi cá. Bà làm việc trong công xưởng của Dior - nhà mốt chuyên tạo ra những bộ váy dạ hội lộng lẫy.






Nghệ nhân Monique (trái) - thợ chính đứng đầu xưởng may - cùng đồng nghiệp bàn về cách may mảnh lụa màu xanh khaki sao cho đúng với thiết kế.







Sao Mai (vnexpress)

Theo baodautu.vn