Ed Zander, CEO của Motorola



Ed Zander, CEO của Motorola, tin rằng làm việc với Apple, Motorola có thể lại phát tài phát lộc. Nhưng thực tế đã chứng minh, Zander đã sai lầm khi hợp tác với một trong những công ty sáng tạo nhất, cạnh tranh nhất và am hiểu tâm lý người tiêu dùng nhất trong mọi thời đại. Kết quả, Motorola thất bại “lên bờ xuống ruộng”.
Tuột dốc không phanh!
2 năm sau, khi Steve Jobs giới thiệu mẫu iPhone đầu tiên, Motorola của Zander vẫn đang bán Razr, cố gắng nâng cao doanh số bằng các phiên bản mới. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận tụt xuống mức thấp chưa từng có. Một nhà phân tích tính toán rằng, trung bình Motorola chỉ thu về khoảng 5 USD/thiết bị bán ra.
Motorola, công ty từ lâu vẫn nằm trong top 10 công ty hàng đầu tại Mỹ, đến năm 2006, đã tụt xuống vị trí 34.
Zander khăng khăng mảng smartphone của Motorola vẫn phát triển nhưng công ty không có “nhân tài” để hiểu những phần mềm smartphone. Ông cũng đổ lỗi cho các nhà cung cấp của Motorola chậm chạp, khiến công ty bị nhỡ gần một năm vòng đời sản phẩm.
Một sai lầm nữa của Motorola lúc này là Zander chưa bao giờ quan tâm đến thị trường Trung Quốc như cách mà các CEO nhà Galvin đã làm. Zander thường phó mặc cho các trưởng bộ phận và các giám đốc quốc gia. Khi Trung Quốc ra mạng 3G, các quản lý của Zander vội vã tung khuyến mãi lớn cho các mẫu điện thoại 2G của họ để bảo toàn thị phần, mà CEO Zander không hề hay biết. Năm 2007, hãng Hàn Quốc Samsung lần đầu tiên đã vượt qua Motorola về doanh số điện thoại, và Motorola cũng không bao giờ “ngóc đầu lên được nữa”.
“Zander không phải là người xấu, nhưng ông ấy đang làm một công việc tồi tệ”, Carl Icahn, nhà đầu tư nổi tiếng thế giới nói. Không may, Motorola suy sụp rất nhanh.
Năm 2008, Motorola quyết định tách mảng điện thoại di động ra khỏi mảng thiết bị an ninh công cộng và doanh nghiệp. Zander, tất nhiên, không còn là CEO nữa. Ban lãnh đạo Motorola đã chọn Greg Brown làm CEO mới để điều hành mảng thiết bị an ninh và doanh nghiệp.
Nhưng tìm kiếm một người có thể điều hành mảng kinh doanh điện thoại đang gặp khó khăn là rất khó. “Chỉ có một số ít người trên thế giới có thể làm điều đó”, Icahn nói. “Nhưng tất cả họ đều nói không vì họ không muốn gì ngoài một chức vị CEO, mà Motorola đã có CEO”.
Cuối cùng, Icahn đã thuê một người làm đồng CEO với Brown. Brown đồng ý, và Sanjay Jha, một cựu COO của Qualcomm, người hiểu rõ cả về phần cứng và phần mềm của viễn thông, đã chấp nhận.
Jha là một kỹ sư tốt nghiệp tại Anh, sinh ra ở Ấn Độ. Vào ngày làm việc thứ hai tại Motorola, Jha đã triệu tập cuộc họp với tất cả các kỹ sư. “Tôi được các kỹ sư nói lại rằng Motorola thực chất đã phát triển và sở hữu nhiều sáng chế mà các điện thoại của công ty không có”, ông nói. “Motorola là công ty đầu tiên phát triển bàn phím QWERTY, với màn hình màu, 3G và cảm ứng, nhưng rất ít điện thoại Motorola có những tính năng này”.
Công cuộc cạnh tranh với Apple iPhone
Jha quyết định cách duy nhất là phải cắt giảm cả chi phí và số lượng điện thoại. Tại Motorola, 60 nhà quản lý cùng làm việc trên hàng chục mẫu điện thoại khác nhau. Trong khi tại Apple, tất cả nhân tài của hãng đều tập trung cho 1 mẫu điện thoại hoàn hảo. Jha nhận ra ông phải làm ra được một chiếc điện thoại thành công cho hãng Verizon, lúc đó đang cạnh tranh với AT&T, là hãng bán độc quyền iPhone. Và cuối cùng, mẫu điện thoại mới của Motorola ra đời, Droid lên kệ vào tháng 10/2009. Trong máy tháng đầu tiên, Motorola đã bán được số lượng máy Droid nhiều hơn iPhone của Apple. Đến cuối năm 2010, sau 4 năm thua lỗ khủng khiếp, mảng điện thoại của Motorola lại có lãi.






Bắt tay với Steve Jobs được xem là một sai lầm lớn của Ed Zander



Tuy nhiên, với những người Motorola lâu năm, thành công này mang đến nhiều buồn vui lẫn lộn. Droid không phải là sản phẩm có khả năng thay đổi thế giới. Hơn nữa, Motorola đã cho thế giới thấy cách làm ra một chiếc điện thoại Android tốt. Ngay lập tức, các đối thủ cũ của công ty, đặc biệt là Samsung, đã bật lên nắm lấy thị trường. Không trụ nổi, Motorola buộc phải “bán mình” cho Google.
Chiếc điện thoại đầu tiên của Motorola sau khi về dưới trướng Google là Moto X, ra đời vào tháng 8/2013. Moto X có thiết kế bóng bẩy, phần mềm cải tiến, bạn có thể điều khiển điện thoại bằng giọng nói và không cần chạm tay vào điện thoại – đó là một sáng tạo. Các cảm biến trong Moto X còn biết khi nào thì bạn đang lái xe và tự động chuyển sang chế độ sử dụng không cần cầm máy. Moto X thực sự là mẫu điện thoại nổi bật trong vô số smartphone Android.
Tuy nhiên, doanh số ban đầu thấp hơn hy vọng. Motorola buộc phải giảm giá. Áp lực lên tỷ suất lợi nhuận vô cùng căng thẳng. Tỷ suất lợi nhuận của các thiết bị điện tử tiêu dùng, đặc biệt là điện thoại, đã trở thành một thảm họa của Motorola Mobility.
Những thất bại trên đã buộc Larry Page đi đến quyết định bán Motorola cho hãng Trung Quốc Lenovo với một mức giá “rẻ mạt” 2,9 tỷ USD, chưa được ¼ mức giá mà Google đã bỏ ra 20 tháng trước. Thương vụ đã giúp Lenovo trở thành nhà sản xuất điện thoại số 4 thế giới, và lần đầu tiên tiếp cận được với thị trường Mỹ.
Chỉ còn là "vang bóng một thời"?
Vốn là một công ty viễn thông đa quốc gia của Mỹ, từng sáng tạo ra chiếc ĐTDĐ đầu tiên trên thế giới, từng “ngập trong tiền bạc” và kinh qua bao nhiêu thăng trầm trong thương trường, không ai ngờ một công ty hùng mạnh và gần như đã trở thành biểu tượng của Mỹ, lại kết thúc vòng đời trong tay một công ty Trung Quốc.
Từ khi mua lại Motorola đến nay, Lenovo hầu như cũng chưa làm được gì nổi bật, chưa có một sản phẩm nào thực sự sáng tạo và thuyết phục ra đời, có khả năng cạnh tranh nổi với những đại gia đình đám như Samsung, Apple. Không rõ rồi đây tên tuổi Motorola có còn được nhắc đến, hay sẽ rơi vào quên lãng, và người ta chỉ còn nhớ đến Motorola như là một biểu tượng “vang bóng một thời”!
Bảo Bình (ICT News)

Theo baodautu.vn