\r




Viber rớt vị trí số 1
Còn nhớ, thời điểm ngày 29/11/2013, CEO Talmon Marco của Viber đã đăng một status đầy tự hào lên Twitter, rằng “đã kiếm được 8 triệu người dùng tại Việt Nam và 8 triệu người dùng tại Philippines mà không tốn một đồng quảng cáo”. Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam lúc bấy giờ, cuộc chiến giữa Zalo - LINE - KakaoTalk đang rất rầm rộ. Cả ba đều tung ra các chiến lược quảng cáo và truyền thông thu hút người dùng, ngược lại, Viber hoàn toàn không có một động tĩnh gì mà vẫn thu hút số lượng người dùng nhiều nhất.
Đầu năm 2014, Viber chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. KakaoTalk rời bỏ thị trường Việt. LINE giảm nhiệt trong các chiến dịch tiếp thị và truyền thông.
Lúc này, trên thị trường chỉ còn cuộc chiến giữa Viber và Zalo. Trong khi Zalo đang có một lượng người dùng an toàn và có xu hướng tăng lên từng giây, thì Viber đẩy mạnh các chiến dịch phủ sóng màu tím, tạo cảm giác rằng, Viber thực sự muốn chinh phục thị trường Việt Nam.
Cuộc đấu “song mã” giữa Viber và Zalo diễn ra chính thức trong suốt hơn 1 năm. Nhưng với một văn phòng đại diện thì Viber khó đọ sức nổi với cả một bộ máy của Zalo. Zalo là một sản phẩm Việt, hiểu rõ nhu cầu người dùng trong nước. Bên cạnh đó, Zalo còn có sự liên kết với các sản phẩm trong hệ sinh thái của VNG, cộng đồng của họ lớn lên từng ngày.
Tuy bị Zalo áp đảo, song Viber vẫn có một lớp người dùng gắn bó tại thị trường Việt Nam. Tính đến thời điểm Viber công bố thông tin đóng cửa văn phòng đại diện tại Việt Nam, họ đã có 23 triệu người dùng, còn Zalo có hơn 30 triệu.
Như vậy, từ vị trí số 1 không tốn một đồng, Viber rớt xuống vị trí số 2 sau khi đổ một đống tiền nhằm phủ sóng màu tím.
OTT nội được ủng hộ
Kết quả nghiên cứu của GlobalWebIndex trên 33 quốc gia mới đây cho thấy, tại châu Á, các ứng dụng OTT bản địa chiếm ưu thế trên “sân nhà” hơn các OTT quốc tế đến từ Âu, Mỹ. Cụ thể, 2 OTT có lượng người dùng hàng đầu trên thế giới hiện nay là WhatsApp và Facebook Messenger đang mất dần chỗ đứng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
WeChat khẳng định vị thế tại “sân nhà” tại Trung Quốc, LINE được ủng hộ ở thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan. KakaoTalk là “ông trùm” tại Hàn Quốc.
Người dùng Việt đã rộng mở đón nhận hàng chục ứng dụng OTT đến từ trong và ngoài nước. Qua quá trình cạnh tranh và sàng lọc, cho đến thời điểm này chỉ còn 3 cái tên nổi trội nhất là Zalo, Viber và Facebook Messenger.
Vì sao đóng cửa?
Sự đóng cửa văn phòng đại diện Viber tại Việt Nam dấy lên nhiều tin đồn về việc tháo chạy của ứng dụng OTT này trên thị trường. Viber dường như lường trước được nguy cơ này, họ nhanh chóng lên tiếng trước khi tin đồn lan rộng.
Bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh, Giám đốc Văn phòng đại diện Viber Việt Nam cho biết, việc đóng cửa văn phòng đại diện Viber tại Việt Nam là một sự “thay đổi chiến lược điều hành tại khu vực Đông Nam Á”. Theo đó, trụ sở chung cho khu vực đặt tại Philippines sẽ chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động marketing tại các nước Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.
“Viber Việt Nam đã hoàn tất sứ mệnh đặt nền móng vững chắc cho Viber trên thị trường OTT Việt Nam. Bản thân ứng dụng OTT là một nền tảng kết nối đa quốc gia chứ không chỉ mang ý nghĩa đối với từng quốc gia đơn lẻ”, bà Quỳnh Anh nói.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, OTT là một cộng đồng có nhiều biến động, không thể nói rằng đã xây dựng được một nền móng vững chắc là không còn nguy cơ sụp đổ. Sự cạnh tranh quyết liệt của các OTT mấy năm qua cho thấy, xây dựng được một cộng đồng không hề dễ dàng. Bài học từ KakaoTalk và LINE cho thấy, sau khi đột ngột rút lui khỏi thị trường Việt thì đến nay liệu còn bao nhiêu người dùng và liệu còn có cơ hội cạnh tranh với OTT bản địa?
Khi thị trường Việt không còn OTT nước ngoài nào chính thức hiện diện nữa, đây là một cơ hội lớn cho Zalo và các OTT Việt.
Tú Ân

Theo baodautu.vn