Suốt 4 giờ đồng hồ, đoàn khách mời của Bkav đã tìm hiểu quy trình, quá trình sản xuất chiếc Bphone qua 6 công đoạn từ lúc thiết kế đến sản phẩm cuối cùng. Để hoàn thành chiếc Bphone, đã có hơn 350 kỹ sư, công nhân làm việc suốt 5 năm, tiêu tốn hàng chục triệu USD.
Nhìn một cách tổng quan, Bkav đã đầu tư khá lớn và dồn tâm sức cho sản phẩm này. Các nhà máy của Bkav tuy không lớn, nhiều công nhân như nhà máy của Samsung, Nokia nhưng "hơn đứt" các "nhà sản xuất Smartphone Việt" khác. Đặc biệt, khi tỷ lệ nội địa và tự sản xuất chiếc Bphone lên đến 70% đã cho thấy nỗ lực của Bkav.






Phía trong Phòng sạch Nhà máy sản xuất Bphone của Bkav.




Trả lời câu hỏi của Phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vnvề kế hoạch quốc tế hóa Bphone, mang sản phẩm Bphone bán ra nước ngoài, ông Bạch Thành Lê, Phó chủ tịch Bkav cho biết, Bkav đã làm việc đối tác Qualcomm để xúc tiến các kênh kết nối bán sản phẩm cho đối tác của Qualcomm là các nhà mạng tại Mỹ, Singapore, Ấn Độ. Có thể, sẽ là hợp tác bằng cách phối hợp nhà mạng bán Bphone kèm gói cước như họ vẫn làm. Trước mắt, tới đây Bkav sẽ tham gia một triển lãm tại Mỹ để có cơ hội tiếp xúc với các nhà mạng và tìm ra các phương án phân phối sản phẩm tại thị trường này.
Phía Bkav cũng cho biết thêm rằng, mẫu Bphone mở bán vào đợt 2 ngày 25/08/2015 sẽ được tối ưu và có những điều chỉnh và nâng cấp nhỏ, hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng so với phiên bản Bphone bán ra trong đợt đầu.
Trả lời về vấn đề điều chỉnh giá bán Bphone, đại diện nhà sản xuất cho biết "định hướng của Bkav là sản xuất sản phẩm chất lượng cao, có tính đẳng cấp, nhắm đến thị trường quốc tế và không nhằm vào phân khúc giá rẻ", nên Bkav sẽ không hạ giá thành Bphone trong đợt mở bán tới đây.
"Chúng tôi có thể điều chỉnh giá version 1 khi các version tiếp theo ra đời", ông Lê cho biết thêm.
Trong quá trình tham quan, ngoài việc giải thích tỷ mỉ, chi tiết quá trình sáng tạo, sản xuất từng linh kiện của chiếc Bphone, đại diện Bkav còn trực tiếp giải thích các "vấn đề nóng" gây tranh cãi của cư dân mạng trong suốt thời gian qua.
Ông Lâm Hồng Quang, Giám đốc sản phẩm Mobile của Bkav chia sẻ với khách mời về "linh hồn của Bphone" (BOS) đã được tạo ra như thế nào. Lãnh đạo Bkav yêu cầu BOS phải "tốt hơn iOS, nhưng phải mở như Android", chính vì thế đội ngũ thiết kế Bkav đã tối ưu Android và xây dựng BOS dựa trên kiến trúc Android. Cấu trúc hệ điều hành Bphone dựa trên nền tảng Android (dựa trên Linux Kernel
"Trên Internet đã từng nổ ra tranh cãi liệu BOS có khác gì một launcher khác của Android. Khác với các launcher hay hệ điều hành gốc Android, đội ngũ thiết kế BOS của Bphone đã dựa trên nền tảng kernel Linux để phát triển và thiết kế lại firmware cho phần cứng như driver cho camera, âm thanh… Tiếp tới, phần lõi của hệ điều hành là framework ứng dụng, để tạo ra sự khác biệt và tối ưu cho Bphone, đội ngũ thiết kế Bkav đã xây dựng lại framework cho Bphone như phần quản lý chế độ không làm phiền, quản lý các cửa sổ thông báo...", ông Quang cho biết.
Một điều thú vị mà Bkav tiết lộ trong đợt tham quan này là bộ giao diện launcher của Bphone đã được trau chuốt kỹ lưỡng và khối lượng công việc khổng lồ, với hơn 5.000 bản thiết kế và hàng ngàn icon, bộ icon launcher của BOS được thiết kế và duyệt trong vòng... 3 năm với hàng chục phiên bản khác nhau.






Nhà máy cơ khí sản xuất Bphone.




Tại nhà máy cơ khí của Bphone, Bkav đã trực tiếp chia sẻ chi tiết với khách mời về quy trình gia công và chế tác cơ khí Bphone. Theo đó, quy trình chế tác cơ khí này trải qua 12 giai đoạn, ví dụ: ép nhựa tạo kết nối cho khuôn, phay CNC, bo viền ngoài, gia công nút nguồn, nút volmume, vị trí đặt loa... chuyển qua công đoạn xử lý bề mặt, tạo ra bề mặt nhám bên ngoài và tiếp đó là công đoạn phay CNC cắt đứt các chi tiết bên trong để hoàn thiện. Sau đó, cắt laser các lỗ bắt vít để tăng độ dẫn điện...
Sai số gia công tổng hợp tới giai đoạn cuối sẽ đạt mức 0.02mm, tức 2%mm, rất tinh xảo và trước đó không có công ty nào ở Việt Nam đạt được cho tới khi Bkav chinh phục cột mốc này để tạo ra thiết kế tinh xảo với đường phay kim cương, chất lượng xử lý bề mặt rất trau chuốt....
Đại diện, Bkav chia sẻ, hãng đã phải tự thiết kế từ những chi tiết "thô sơ" nhất như khuôn ép nhựa, đồ gá keo hộp loa... nhờ vậy quy trình cơ khí cũng được khép kín và làm chủ hoàn toàn.
Tại nhà máy điện tử của Bphone, ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch Bkav chia sẻ, một phần do chi phí đầu tư nhà máy in bảng mạch quá cao, lên tới hàng trăm triệu USD và để đảm bảo chất lượng, Bkav đã phải thuê đối tác hàng đầu để in bảng mạch chất lượng cao cho Bphone, đây cũng là đối tác đảm nhận in bảng mạch cho Apple, Samsung, HTC... và những hãng smartphone hàng đầu thế giới khác.
Lý giải thắc mắc trên các diễn đàn rằng tại sao mỗi công nhân của Bkav lại chỉ đảm nhận 1 công đoạn trong dây chuyền sản xuất Bphone, trong khi ở Samsung và các hãng khác công nhân của họ đảm nhận cùng lúc nhiều khâu, ông Thắng cho biết tiêu chuẩn của Bphone cao cấp, nên sai số chỉ ở mức 0,05mm, trong khi nhiều công ty họ cho phép sai số này tới mức 0,2mm. Do vậy, đội ngũ công nhân Bphone đòi hỏi phải tập trung và chuyên môn hóa cao hơn, nên thường chỉ đảm nhận một công đoạn trong dây chuyền.
Hữu Tuấn

Theo baodautu.vn