Diễn đàn là nơi để các nhà khoa học, các bạn sinh viên thuộc 70 trường đại học có thể kết nối, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, định hướng nghiên cứu khoa học; đồng thời cũng là cầu nối giúp các nhà khoa học, các bạn sinh viên gặp gỡ với nhà đầu tư, quỹ đầu tư và đưa sản phẩm ra ngoài thị trường.
Diễn đàn lần thứ nhất chỉ là bước đi đầu tiên trong chuỗi các sự kiện sẽ được tổ chức trong thời gian tới tại nhiều địa điểm trên toàn quốc. Hiện nay, Diễn đàn đang xây dựng một ngân hàng thông tin về khoa học công nghệ với khoảng 70.000 các đề tài, đề án; 14.000 phát minh sáng chế, 15.000 nhà khoa học, kết nối với khoảng 3.500 doanh nghiệp có đầu tư về khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ cao.
Bên cạnh đó, mạng lưới khoảng 1.000 trung tâm kiểm thử, các phòng thí nghiệm tại các trường, các sở, các doanh nghiệp sẽ là nơi các nhà khoa học, các bạn sinh viên tiến hành thí nghiệm, kiểm định được sản phẩm. 400 quỹ đầu tư trong nước và trên thế giới cũng sẽ là nguồn đầu tư rất tốt cho những công trình nghiên cứu mà các nhà khoa học đang đeo đuổi.






Các bạn sinh viên đang trình diễn sáng chế, phát minh mới tại Diễn đàn Khoa học và Công nghệ lần thứ 1.




Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc phát biểu: “Khu CNC Hòa Lạc mới thành lập Văn phòng chuyển giao Công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động và tạo ra nguồn lực thông tin hỗ trợ sinh viên và các nhà khoa học trẻ. Đây là một diễn đàn mở nhằm thu hút, thúc đẩy nhiệt tình tham gia nghiên cứu khoa học và ươm mầm doanh nghiệp trong tương lai”.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Ban KHCN – Ban QL Khu CNC Hòa Lạc cũng chia sẻ: “Chúng ta có thể nhìn thấy các công ty lớn trên thế giới vô cùng chú trọng tới công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Chẳng hạn, Facebook dành hẳn 30% doanh thu của họ cho công tác R&D. Quay về Việt Nam tôi cho rằng, ngân sách dành cho R&D còn hạn chế nên số lượng phát minh sáng chế còn rất ít. Trong khi đó, với số dân đông, phần lớn có tuổi đời trẻ, chúng ta đang có một nguồn lực lớn, phù hợp cho công việc khởi nghiệp và khoa học công nghệ. Chúng ta cần có một diễn đàn đứng ra làm cầu nối giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp.
Vì vậy, chúng tôi, Khu CNC Hòa Lạc, cũng đang cố gắng khởi nghiệp và mong muốn cùng các trường Đại học, các bạn sinh viên xây dựng lại câu chuyện khởi nghiệp tương tự như VSV Corner. Các nhà khoa học, các bạn sinh viên khi khởi nghiệp cần thông tin thị trường; cần kết nối với các nhà đầu tư ; nơi tiến hành thử nghiệm, thí nghiệm, kiểm tra độ mới của ý tưởng, tìm người cùng chí hướng, tìm người định hướng cho mình để khởi nghiệp”.
Tại buổi ra mắt diễn đàn, các nhà khoa học trẻ đến từ nhiều trường đại học đã giới thiệu, trình diễn những sáng chế, nghiên cứu, như xe điện 2 bánh tự cân bằng của Đại học Công nghiệp, thuộc Đại học Thái Nguyên, thiết bị chỉ đường thông minh cho người khiếm thị thuộc Đại học Công nghệ thông tin thuộc Đại học Thái Nguyên, trình diễn Robotic của trường Đại học FPT, mô hình đèn Led của Học viện Bưu chính viễn thông...
Phát biểu tại diễn đàn, bà Thạch Lê Anh, Giám đốc điều hành Dự án thung lũng Silicon tại Việt Nam (Vietnam Silicon Valley – VSV), cho biết: “Thông qua diễn đàn chúng tôi nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ các bạn sinh viên. Sau khi xem màn trình diễn sản phẩm nghiên cứu của các sinh viên, tôi rất mừng vì các bạn đã tự làm chủ được công nghệ. Đây là một điều quan trọng để các nhà đầu tư có thể quan tâm. Sản phẩm là những phát kiến ban đầu, nhà đầu tư có thể hỗ trợ cho các bạn không chỉ về tài chính mà sẽ cùng các bạn xem sản phẩm có thể được ứng dụng vào những lĩnh vực nào trong cuộc sống”.
Hữu Tuấn

Theo baodautu.vn