Sản phẩm bút S Pen gắn trên Samsung Galaxy Note – Tinh hoa của trí tuệ Việt



S Pen – Câu chuyện từ những ngày đầu
Từ năm 2012, các kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển phần mềm Samsung Việt Nam (SVMC) đã tham gia vào quá trình thiết kế và nghiên cứu các ứng dụng cho cây bút S Pen. Ban đầu, chỉ có khoảng 12 kỹ sư lo dự án S Pen, nhưng hiện nay, luôn có khoảng 150 kỹ sư trên tổng số 1.600 nhân viên của SVMC được giao chuyên trách thực hiện dự án quan trọng này.
“Cũng khá nhiều thách thức và vất vả nhưng cuối cùng chúng tôi cũng đã thành công với các ứng dụng nổi bật như S Note hay PEN.UP, một dạng “mạng xã hội” - nơi những người dùng S Pen thỏa sức chia sẻ các sáng tạo nghệ thuật cá nhân. Ban đầu, chưa hiểu nhiều về S Pen, chúng tôi phải đi khắp nơi trên thế giới để học hỏi, từ Hàn Quốc tới Ấn Độ, rồi Bangladesh, nhưng giờ đã có thể tự tin làm chủ được công nghệ này”, một thành viên của SVMC chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đức Dũng, Trưởng phòng Quản lý dự án tại SVMC, đã khẳng định rằng, ông thực sự tự hào vì khả năng sáng tạo và trí tuệ của người Việt đã được ghi dấu ấn trong một thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc.
Không dễ để Samsung đầu tư lớn cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam và giao phần lớn trọng trách tại SVMC cho các kỹ sư Việt Nam. Hiện tại, chỉ có 5 trong tổng số 1.600 nhân viên tại SVMC là người Hàn Quốc. Điều này không chỉ cho thấy sự tin tưởng của Samsung đối với trí tuệ Việt, mà còn là một sự khẳng định cho cam kết đầu tư lâu dài và bền vững tại Việt Nam.
Cuộc sống thuận tiện hơn nhờ một... chiếc bút
Nhưng sự vất vả của các kỹ sư người Việt đã được đền đáp bằng sự hài lòng của người dùng S Pen. Chị Nguyễn Thu Trang (TP.HCM), người đang sở hữu một chiếc điện thoại Galaxy Note 5, cho biết, chị thích nhất ứng dụng S Note giúp chị ghi chép dễ dàng hơn trong các cuộc họp, mà không cần phải mang theo sổ hay bút. Là người yêu thích hội họa, chị Trang thường sử dụng PEN.UP của S Pen để vẽ hình trên chính chiếc điện thoại của mình, rồi chia sẻ trên mạng.
Thực tế thì những tiện ích mà các kỹ sư phần mềm người Việt mang lại cho chiếc S Pen trên dòng Galaxy Note còn nhiều hơn nữa. Một trong những tính năng hữu dụng nhất trên Galaxy Note 5 và S Pen mới đó là Screen Off Memo, biến máy thành một cuốn sổ “tốc ký” thực sự. Chỉ việc rút bút ra, người dùng đã có thể ghi chú nhanh trên màn hình của máy mà không cần phải mở khoá màn hình hay thực hiện bất kỳ thao tác nào khác.
“Nó làm cho mọi việc dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều”, anh Nguyễn Hoàng Quân (Hà Nội) vừa cầm chiếc bút S Pen viết trên chiếc Galaxy Note 5 mà anh mua cách đây hai tháng vừa chia sẻ.
Làm việc trong lĩnh vực báo chí, anh Quân cho biết, kể từ khi sở hữu dòng điện thoại cao cấp nhất của Samsung đến nay, anh có được một thiết bị “tích hợp hoàn hảo” tất cả những gì cần cho công việc của mình, từ máy ảnh, ghi âm cho đến khả năng thay thế một quyển sổ ghi chép.
Đúng như nhận xét của anh Quân, S Pen là điểm nhấn nổi bật nhất của dòng sản phẩm Galaxy Note nói chung, Galaxy Note 5 nói riêng. Kể từ khi ra đời vào năm 2011 cùng với sản phẩm smartphone Galaxy Note đầu tiên, S Pen đã khiến Samsung Galaxy Note trở nên khác biệt và có sức hấp dẫn đặc biệt trên thị trường. Càng ngày, S Pen càng hoàn thiện, và đến “đời thứ 5” này, thì S Pen cho cảm giác viết trên màn hình ngày càng giống viết như bút thật, mượt nhẹ nhưng lại chắc chắn với từng nét chữ.
“Thật bất ngờ và đáng khâm phục. Tôi cứ nghĩ nó phải được tạo ra từ đâu đó tại các trung tâm công nghệ thông tin lớn trên thế giới mà Samsung đang hiện diện ở đó”, anh Quân nói.
Và một niềm hy vọng nhân rộng nhân tài ở Việt Nam...
Thời gian qua, dù thu hút được khá nhiều dự án đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia, song Việt Nam vẫn thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt trong lĩnh vực R&D cho các dự án này. Không phải là không thể, mà câu chuyện SVMC thành công với cây bút S Pen đã chứng minh rằng, chỉ cần có môi trường tốt và được sự tin tưởng, trí tuệ người Việt sẽ tỏa sáng. Samsung đã làm được điều đó. Họ đã tạo ra một môi trường tuyệt vời để khuyến khích sự sáng tạo và trí tuệ của người Việt phát triển.
Samsung đã không chỉ mang đến Việt Nam các quy trình sản xuất phần cứng tiên tiến và hiện đại, mà còn tạo cơ hội “nội địa hoá” việc sản xuất phần mềm cho các sản phẩm công nghệ cao của mình. Một cơ hội kép cho Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung.
“Đó là điều chúng ta mong muốn bao năm nay nhưng vẫn chưa làm được nhiều”, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nói khi đề cập đến mô hình phát triển của SVMC. Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong quản lý và nghiên cứu về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vị chuyên gia này cho rằng, Samsung đã thực sự trở thành người mở đường cho việc thu hút đầu tư vào hoạt động R&D tại Việt Nam. Mô hình như SVMC vì thế cần được nhân rộng hơn nữa để những thành công như câu chuyện cây bút S Pen không còn là “của hiếm” tại Việt Nam.
Nguyên Trang (ICTNews)

Theo baodautu.vn