Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” năm 2015



Theo báo cáo của Global Risk 2015 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, 90% các công ty trên toàn thế giới tự thừa nhận mình chưa được chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ để tự bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng. Những thiệt hại do tội phạm mạng gây ra cho nền kinh tế toàn cầu lên tới hơn 400 tỷ USD/năm.
Còn tại Việt Nam, theo VNISA, khảo sát hơn 600 doanh nghiệp tại Việt Nam cho thấy: Chỉ số trung bình ATTT Việt Nam 2015 - VNISA Index 2015 chỉ đạt 46,6 %, tuy ở dưới mức trung bình 50% và vẫn còn sự cách biệt với các nước như Hàn Quốc (hơn 60%).
“Khảo sát thực tế cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam đang buông lỏng, hầu như không áp dụng các biện pháp tối thiểu để đảm bảo an toàn thông tin và chưa có quy trình thao tác chuẩn để ứng phó khi sự cố xảy ra”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết.
Theo ông Hưng, hệ thống tiêu chuẩn pháp lý, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thông tin còn thiếu, chưa đầy đủ, chưa có cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp quản lý cũng như biện pháp kỹ thuật mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã và đang áp dụng. Chúng ta cũng chưa có quy trình phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng trong việc phòng chồng, xử lý các sự cố mất an toàn.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn nằm trong danh sách những nước có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại, mã độc ở mức cao. Vấn nạn này đã gây ra những tổn thất lớn, đồng thời đặt ra nhiều nguy cơ, rủi ro trong tương lai, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh và mức độ tin cậy của Việt Nam trong thế giới số.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, cùng với tiến trình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin này, thông tin trên mạng đã trở thành tài sản của mỗi cá nhân, tổ chức và cả quốc gia. Các doanh nghiệp sẽ không thể hoạt động và phát triển nếu thông tin hoặc hệ thống thông tin của doanh nghiệp bị đánh cắp, bị phá hoại. Các cơ quan nhà nước sẽ không thể phục vụ người dân nhanh chóng và thuận tiện nếu các trang, cổng thông tin điện tử bị tấn công làm gián đoạn hoạt động. Cải cách hành chính, chính phủ điện tử, thương mại điện tử và một loạt chương trình lớn của quốc gia sẽ không thể thực hiện được nếu an toàn thông tin không được bảo đảm.
"Trong xu hướng phát triển chung của công nghệ, sự tích hợp và hội tụ của mạng xã hội, thiết bị di động, công nghệ lưu trữ, phân tích dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang và sẽ định hình nên xã hội thông tin trong tương lai. Bốn xu hướng này thay đổi căn bản cách thức tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin cũng như cách thức áp dụng các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin. Nguy cơ, rủi ro, thách thức đặt ra cho công tác bảo đảm an toàn thông tin ngày càng phức tạp, tinh vi, khó có thể dự báo trước, mức độ thiệt hại khi xảy ra sự cố cũng ngày càng lớn", ông Son nhận định.
Hội thảo “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” năm 2015 với chủ đề “Xu hướng phá hoại tàn khốc của tấn công mạng hiện đại” do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Tuyền thông ; Cục CNTT - Bộ GD&ĐT và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) tổ chức.
Tú Ân

Theo baodautu.vn