Sau hơn 4 năm ban hành, Bộ Công thương vẫn chưa thể xử lý rốt ráo các tồn tại đối với ô tô nhập khẩu không chính hãng đã ký hợp đồng trước khi Thông tư 20 ra đời. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet



Đề nghị trên xuất phát từ thực tế theo dõi quá trình nhập khẩu ô tô nguyên chiếc là quà biếu tặng của các cá nhân, tổ chức nước ngoài cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước thời gian qua tại TP.HCM. Cụ thể, qua theo dõi từ 5 doanh nghiệp, Cục Hải quan TP.HCM nhận thấy, có thời điểm nhiều công ty cùng nộp đơn đề nghị được nhận ô tô là quà biếu, tặng với cùng một nhãn hiệu như Toyota Landcruiser, mới 100% và có giá trị khá cao.
Theo bảng giá niêm yết của Công ty Toyota Việt Nam, nhà nhập khẩu chính hãng dòng xe này, Toyota Landcruiser có giá từ 2,1 tới 2,6 tỷ đồng. Vấn đề là nếu nhập khẩu theo đường hàng hóa chính ngạch, ô tô chở người phải tuân thủ theo Thông tư 20/2011/TT-BTC (Thông tư 20) liên quan đến việc phải có giấy ủy quyền của bên sở hữu thương hiệu hoặc nhà sản xuất.
Trong khi đó, qua rà soát hồ sơ của 5 doanh nghiệp, cơ quan hữu trách nhận thấy, các công ty đều có chức năng buôn bán, kinh doanh ô tô. Song theo hướng dẫn của Công văn 7470/2011/XNK-BCT đang áp dụng, quà biếu tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức tại Việt Nam lại không phải áp dụng quy định của Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu xe ô tô chưa qua sử dụng.
Theo nhận định của Cục Hải quan TP.HCM, có hiện tượng các doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô lợi dụng chính sách quà biếu, tặng để nhập khẩu xe ô tô mới, có giá trị cao mà không bị điều chỉnh bởi Thông tư 20. Điểm đáng chú ý nữa là, một số doanh nghiệp trong 5 doanh nghiệp nói trên có cùng địa chỉ kinh doanh.
Tuy nhiên, hiện tượng gia tăng về nhập khẩu xe theo hình thức quà biếu tặng không chỉ diễn ra tại TP.HCM. Tại Đà Nẵng, có cả chục tổ chức là doanh nghiệp Việt Nam đã được nhận từ 2-3 xe do đối tác nước ngoài tặng. Chuyện một đối tác nước ngoài liên tiếp tặng xe ô tô mới cho các đối tác tại Việt Nam cũng không thiếu. Thậm chí, có cá nhân nước ngoài đã tặng tới 4 xe đã qua sử dụng cho các cá nhân ở Việt Nam và các xe này đều thuộc diện vẫn còn giá trị cao tại Việt Nam.
Chính vì vậy, không ít cơ quan hải quan địa phương đã đề nghị Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính cũng như Bộ Công thương đưa ra quy định rõ ràng về số lượng xe là quà biếu tặng được nhận của tổ chức Việt Nam, hay quy định không cho doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh ô tô được nhận xe biếu tặng.
Điểm chung của các bên tặng xe là hầu hết đều có địa chỉ tại Mỹ. Đây cũng là nơi xuất phát của làn sóng cả ngàn xe ô tô hạng sang được chuyển về Việt Nam cách đây 2 năm, mà không cần áp dụng các quy định chính hãng của Thông tư 20, bởi không ít xe được mang vỏ bọc là tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương. Đáng nói là, khi cơ quan hữu trách ra tay siết xe Việt kiều hồi hương, đã có làn sóng chuyển sang tặng xe ô tô cho các doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam của các Việt kiều.
Phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn cũng đã tìm cách tra cứu về nhân thân của các doanh nghiệp hào phóng cho tặng xe ô tô đắt tiền cho các đối tác trong nước theo tên công ty và địa chỉ ghi trong giấy tặng xe, nhưng các chỉ dẫn có được khá lơ mơ như kiểu niên giám điện thoại. Không có bất cứ đối tác nước ngoài nào trong danh sách cho tặng xe ô tô hạng sang sở hữu một website rõ ràng, giới thiệu công khai về công ty, ngành nghề hoạt động, cũng như doanh thu hàng năm để có thể hào phóng vung tay liên tiếp tặng xe.
Ở một khía cạnh khác cũng liên quan đến Thông tư 20 là sau hơn 4 năm ban hành, Bộ Công thương vẫn chưa thể xử lý rốt ráo các tồn tại đối với ô tô nhập khẩu không chính hãng đã ký hợp đồng trước khi Thông tư 20 ra đời. Bởi vậy, một số công ty thương mại trong số này vẫn thản nhiên “ăn vạ”, đòi tiếp tục được nhập khẩu xe mới, mà không cần tuân thủ quy định của Thông tư 20.
Chưa kể, các doanh nghiệp thương mại này vẫn đang quảng bá công khai việc cung cấp ô tô nhập khẩu mới 100% của các thương hiệu hạng sang, bất chấp các nhãn hiệu này có đại lý phân phối chính hãng tuân thủ theo quy định của Thông tư 20.
Minh Nam

Theo baodautu.vn