Hàng Tết đã lên kệ Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về sức mua Tết 2015, khi cho rằng, sức mua chỉ tăng cùng lắm 5 - 10% và chỉ tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên, sự chuẩn bị ráo riết của các DN sản xuất và bán lẻ hàng hóa cho thấy, đa phần các doanh nghiệp đều gia tăng lượng hàng cung ứng ra thị trường. Theo công bố của các Sở Công thương, doanh nghiệp bán lẻ chiếm thị phần lớn như Fivimart, Hapro, Co.op Mart, Metro, Big C…thì nguồn hàng Tết 2015 được các DN dự trù sản xuất và dự trữ đều tăng từ 10-15%. Hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết 2015 đã sẵn sàng Công cuộc chuẩn bị nguồn hàng hóa Tết tại TP.Hồ Chí Minh, thị trường có tốc độ tiêu thụ hàng hóa lớn nhất cả nước tại thời điểm này về cơ bản đã được chốt xong. Báo cáo của Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh chuẩn bị cho sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết Ất Mùi 2015 sẽ rơi vào xấp xỉ 16.000 tỷ đồng. Trong đó nguồn hàng bình ổn thị trường là 8.304 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động điều chỉnh mức tăng trưởng sản xuất và lượng hàng cung ứng tăng khoảng 10 - 30% so với tết năm 2014. Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh cho biết, để tránh xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết, các doanh nghiệp lớn trên địa bàn đã đảm bảo tốt kế hoạch tích trữ đầy đủ những mặt hàng như lương thực, thực phẩm, rau củ quả và thủy sản…phục vụ người tiêu dùng. Doanh nghiệp bán lẻ có tiếng tại phía Nam là Saigon Co.op xác nhận, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm và dịp Tết Ất Mùi 2015 đã tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp 2 - 3 lần so với tháng kinh doanh bình thường, đồng thời tăng cường hệ thống phân phối rộng khắp gồm 74 siêu thị Co.opmart, đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn Co.opXtraplus Thủ Đức, 86 cửa hàng thực phẩm Co.opFood và gần 200 Cửa hàng Co.op. “Tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết được Co.op Mart dự trữ các dịp này là khoảng 90.000 tấn, tăng gần 15% so với Tết Giáp Ngọ 2014. Trong đó từng nhóm hàng có độ tăng trưởng khác nhau từ 10% - 20%, dự kiến tăng cao nhất nằm ở nhóm nước ngọt, bia, trái cây….”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay, Còn theo công bố của Sở Công Thương TP. Hà Nội, phương án chuẩn bị hàng phục vụ Tết với nguồn vốn huy động dự trữ hàng tết lên tới hơn 2.300 tỷ đồng. Lượng hàng dự trữ Tết sẽ tăng khoảng 15% so với các tháng thường trong năm, chủ yếu là hàng sản xuất trong nước, chiếm tới 80% nhu cầu mua sắm của người dân. Nguồn vốn trữ hàng tết chủ yếu do các doanh nghiệp tự bỏ ra nhưng TP.Hà Nội cũng ứng cho các doanh nghiệp vay 267 tỷ đồng dự trữ bảy nhóm mặt hàng thiết yếu gồm gạo tẻ, thịt heo, thịt gà, trứng gà, thủy hải sản, dầu ăn và rau củ. Giá hàng hóa sẽ không biến động Đó là khẳng định của đại diện các nhà bán lẻ chiếm thị phần lớn như Hapro, Co.op Mart, Big C, Fivimart. Theo bà Thủy, đại diện Co.op Mart , mặc dù dự báo tháng kinh doanh Tết 2015 (bắt đầu từ ngày 20/01/2015 đến hết ngày 18/02/2015) chưa thật sự khởi sắc nhưng với sự chuẩn bị hàng hóa một cách bài bản phục vụ Tết cho khách hàng đặc biệt là đáp ứng nhiệm vụ bình ổn giá thị trường được UBND TP.Hồ Chí Minh giao phó, giá cả hàng hóa Tết tại hệ thống sẽ không biến động. Còn đại diện Big C thì xác nhận, để phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong năm mới 2015 và Tết 2015 và bình ổn giá trên thị trường, hệ thống siêu thị Big C đã tích cực triển khai các chương trình thu mua phù hợp để luôn đảm bảo nguồn hàng phong phú, đầy đủ, phục vụ cho người tiêu dùng trước, trong và sau dịp lễ. Cụ thể, ở mảng bánh kẹo, Big C đẩy mạnh các loại bánh kẹo sản xuất trong nước, đặt hàng nhà sản xuất như Kinh Đô, Trung Nguyên, Bibica, Hải Hà…từ hàng phổ thông đến các loại cao cấp. Riêng thực phẩm tươi sống, Big C chuẩn bị khoảng 420 tấn thịt tươi, với các mặt hàng chủ lực là thịt lợn, thịt gà, bò, đồng thời cung cấp các loại trái cây phục vụ nhu cầu trưng bày, tiêu dùng mùa Tết, các loại trái cây đặc sản các vùng miền. Không chỉ tập trung cung ứng hàng hóa Tết tại các Siêu thị, trung tâm thương mại ở nội thành, như thông lệ, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đầu tư mạnh để đưa hàng ra ngoại thành, khu vực nông thôn, Khu công nghiệp, khu chế xuất. Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ tổ chức 600 điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ tết, 200 chuyến hàng lưu động, đưa hàng thiết yếu về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất. Tết là dịp tiêu dùng lớn nhất của người Việt Nam. Công ty Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định, sức mua tăng trưởng tốt nhất sẽ vẫn là các sản phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu, đồ uống và thực phẩm đóng gói.... <em itemprop="author"> Thế Hoàng [/I]
Thế Hoàng

Theo baodautu.vn