Cần phải nói thêm, trước khi có thông tin về táo Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam không an toàn cho sức khỏe, hàng triệu người tiêu dùng trong nước đã chi không ít tiền để tiêu dùng các loại hoa quả nhập khẩu này. Thông tin về chất lượng hoa quả nhập khẩu có vấn đề khiến người tiêu dùng trong nước lo ngại Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Hoàng Trung cho biết, tính từ đầu năm 2014 đến nay, chưa kể các thị trường khác, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1.000 tấn táo từ Mỹ. Còn nếu tính chung nhập khẩu từ các thị trường, thì số lượng táo nhập khẩu về nội địa lên tới 17.000 tấn. Hiện có 35 doanh nghiệp nhập khẩu từ Mỹ thông qua các cửa khẩu chính là Cảng TP.HCM, Cảng Hải Phòng và hai sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Ông Hoàng Mạnh Hưng, Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh (trụ sở tại 25A, ngõ 27, Đại Cồ Việt, Hà Nội), đơn vị nhập khẩu và phân phối nhiều loại hoa quả của Australia, New Zealand, Mỹ thừa nhận, thị trường hoa quả nhập khẩu đang nhiễu loạn, do có nhiều đơn vị kinh doanh, với rất nhiều loại hoa quả, mà bản thân người tiêu dùng cũng không thể kiểm chứng, chỉ mua bằng niềm tin và sự giới thiệu của chính các cửa hàng kinh doanh. Theo ông Hưng, thực tế, nếu nhập khẩu chính ngạch và có giấy tờ kiểm dịch của các cơ quan chủ quản, giá của các loại hoa quả ngoại không rẻ. Đơn cử, cam vàng Australia giá 180.000 - 250.000 đồng/kg, nho Mỹ không hạt 250.000 - 350.000 đồng/kg, cherry Australia 450.000 - 550.000 đồng/kg, tùy loại to, nhỏ. Trong khi đó, nhiều điểm công bố giá bán rẻ giật mình, thì người tiêu dùng cũng nên thận trọng. Ông Dương Văn Chiến, Giám đốc Công ty 2 FM Việt Nam (số 51 - Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, Hà Nội), doanh nghiệp chuyên hoạt động thương mại các sản phẩm hoa quả nhập khẩu tại Hà Nội cho rằng, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng là 3 thành phố có mức tiêu thụ hoa quả nhập khẩu lớn nhất hiện nay. Để hạn chế rủi ro khi trả phải tiền cao để mua hoa quả nhập khẩu, ông Chiến chia sẻ, người tiêu dùng có thể kiểm tra tem trên mỗi sản phẩm. Tem do các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài bán cho Việt Nam phần lớn đều là tem nylon, có độ trong và dai, rất khó làm giả, bởi chi phí in ấn cao. Ngược lại, với các mẫu hoa quả tươi có dán tem giấy, thì rất nên dè chừng, bởi nhiều đơn vị kinh doanh có thể tự in và dán lên sản phẩm để tạo lòng tin với người tiêu dùng. Thời điểm cuối năm, nhu cầu hoa quả của người dân tăng mạnh so với ngày thường, lợi dụng nhu cầu và sự sính ngoại của người tiêu dùng, nhiều đối tượng kinh doanh đã không bỏ qua cơ hội trục lợi, đã phù phép hoa quả từ Trung Quốc thành những loại hoa quả ngon, có giá trị kinh tế, đánh lừa người tiêu dùng. Điều này cũng được ông Chiến khuyến cáo, hầu như hoa quả dán mác nhập khẩu đưa về hơn 50 địa phương trên cả nước tiêu thụ đều là hàng có xuất xứ Trung Quốc. Do những lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến vi trùng từ ruồi giấm có trong hoa quả tươi nhập khẩu từ Australia, nhiều nước trong đó có Việt Nam, đã ngừng cấp phép nhập khẩu hoa quả từ nước này nhằm phòng chống dịch bệnh lây lan. Việt Nam sẽ nhập khẩu hoa quả trở lại khi phía Australia thông báo không còn dịch bệnh và đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật. Do đó, khi quyết định mua các loại hoa quả nhập khẩu, người tiêu dùng nên nói “Không” với những lời mời chào, quảng cáo về sản phẩm xuất xứ Australia để tránh mất tiền với sản phẩm không an toàn. <em itemprop="author"> Thế Hải [/I]
Thế Hải

Theo baodautu.vn