Tràn lan các loại mỹ phẩm “tế bào gốc” Làm đẹp là nhu cầu tất yếu của các chị em phụ nữ và đương nhiên, chạy theo nhu cầu này, có rất nhiều các loại sản phẩm hỗ trợ. Ăn theo thực tế này, thuật ngữ, công nghệ hiện đại còn đang ở giai đoạn nghiên cứu gây nhiều tranh cãi là “mỹ phẩm tế bào gốc” đang được quảng cáo tràn lan tại Việt Nam. Đa phần những chị em phụ nữ làm văn phòng và có gia đình đều rất bận rộn. Sau giờ hành chính lại phải về gia đình, chăm con nên quỹ thời gian làm đẹp rất eo hẹp. Chính vì vậy, việc mua bán mỹ phẩm qua mạng là một giải pháp khá tối ưu. Do đó, bên cạnh việc phải mở cửa hàng, nhiều người buôn bán mỹ phẩm đã quảng cáo các sản phẩm được cho chiết xuất từ tế bào gốc đã mở cửa hàng “Online” cùng nhiều “mỹ từ” khi miêu tả về hàng mỹ phẩm tế bào gốc của mình để đáp ứng nhu cầu của chị em. Với thực tế này, đa phần chị em đều chia sẻ rằng khá tiện khi tìm loại mỹ phẩm này trên những cửa hàng trên mạng. Được quảng cáo là chăm sóc da, nuôi dưỡng da, chống lão hoá, tăng sức đề kháng, không độc hại hay “cộp mác” được sản xuất tại nước ngoài, có bảo đảm 100% về nguồn gốc xuất xứ, những loại mỹ phẩm được cho có chiết xuất từ “tế bào gốc” đang làm hoa mắt người tiêu dùng. Đặc biệt, giá của những sản phẩm này cũng không hề rẻ khi quảng cáo hỗ trợ chăm sóc sau điều trị mụn trứng cá, nám da, các tổn thương trên da... các sản phẩm này có giá sẽ dao động vào khoảng từ 400 - 1.000.000 đồng/ hộp. Để trực tiếp trải nghiệm, trong vai trò một người đi tìm mua mỹ phẩm “tế bào gốc”, giữa một “rừng” sản phẩm được quảng cáo “trên trời”, PV liên hệ được với một người được cho là đang phân phối mỹ phẩm tế bào gốc có tên Baby Body Lotion V.A.H tại Hà Nội. Theo quảng cáo của người này, sản phẩm được ký kết hợp đồng sản xuất 100% tại Hàn Quốc. Không chỉ thế, theo quảng cáo của người này, đây là sản phẩm không tẩy da hay dùng hoá chất độc hại để đầu độc da và đặc biệt dùng công nghệ tế bào gốc (Stem Cells) để dưỡng trắng cho chị em chỉ sau 14 ngày. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, dù được quảng cáo rầm rộ trên một trang mạng xã hội cá nhân với những lời quảng cáo “có cánh, chỉ cần bằng mắt thường, không khó để nhận ra trên bao bì sản phẩm này không hề có tem mác chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận. Trao đổi với phóng viên, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế khẳng định, cơ quan này chưa cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho sản phẩm có tên như trên. Trên thực tế, hiện nay, thị trường các sản phẩm làm đẹp da gắn liền với 3 từ “tế bào gốc” khá phức tạp khi xuất hiện tràn lan và nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ, thật giả lẫn lộn. Thường những loại mỹ phẩm được quảng cáo chiết xuất từ tế bào gốc thật giả lẫn lộn, giá bèo nhất cũng vài trăm nghìn, giá đắt thì bạc triệu... nhưng chất lượng thì “hên xui” và đôi khi cụm từ “tế bào gốc” tân thời đang làm hoa mắt người tiêu dùng. Tiếp tục đi tìm một số sản phẩm khác cũng được quảng cáo được chiết xuất theo công nghệ “tế bào gốc” trên Internet, PV cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu khi yêu cầu người bán cung cấp các giấy tờ liên quan để chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm. Theo các chuyên gia y tế, trong một “rừng sản phẩm” mang tên “mỹ phẩm tế bào gốc” hiện nay, có đến 99% là lừa đảo. Cục Quản lý dược - Bộ Y tế khẳng định, các thành phần có nguồn gốc từ con người (bao gồm cả tế bào gốc) không được phép sử dụng trong mỹ phẩm, ứng dụng làm đẹp. Trên thực tế, việc làm đẹp từ tế bào gốc hiện tại vẫn đang vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều, chưa nói đến rủi ro của việc làm đẹp từ tế bào gốc khiến lây lan những bệnh truyền nhiễm rất cao. Đằng sau việc làm đẹp bằng mỹ phẩm tế bào gốc chưa được kiểm chứng là những nguy cơ tiềm ẩn Ma trận “mỹ phẩm tế bào gốc” - Lợi bất cập hại! Trước thực trạng các loại mỹ phẩm được quảng cáo chiết xuất từ tế bào gốc, theo một chuyên gia tế bào gốc Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia), đối với những dạng mỹ phẩm liên quan đến “tế bào gốc”, ông chưa tiếp cận những công bố về mặt khoa học thực sự của các phòng nghiên cứu chính thống trên thế giới. Bên cạnh đó, ngay cả trong điều trị bệnh việc sử dụng công nghệ tế bào gốc cũng khá ngặt nghèo, dè dặt vì tế bào gốc bên cạnh những ưu việt cũng có phản ứng ở khía cạnh nào đó khá giống với tế bào ung thư nên không khống chế được hoàn toàn. Còn phải hiểu rằng, thực vật không thể gắn với khái niệm tế bào gốc được. Với sự tiến bộ của của y học hiện đại, có rất nhiều phương pháp làm đẹp cho chị em phụ nữ. Tuy nhiên, việc tìm hiểu, sử dụng phương pháp nào để làm đẹp hoặc để điều trị, chị em phải tìm hiểu và có hiểu biết rõ nếu không sẽ bị mắc mưu “lập lờ đánh lận con đen”, thậm chí trở thành “chuột bạch” cho những người trục lợi. Đa phần, hiện nay, cũng lợi dụng thói quen tiêu dùng “truyền khẩu” mà phần lớn khách hàng hiện bị lừa đảo một cách “ngoạn mục” trước những sản phẩm và công nghệ được gắn thêm một thuật ngữ rất chuyên môn và rất hiện đại là… “tế bào gốc”. Trong khi đó, thực tế làm đẹp bằng tế bào gốc là gì thì lại chẳng mấy người quan tâm. Đặc biệt, hiện nay, tại Việt Nam, không nhiều người quan tâm rằng, việc sử dụng sản phẩm tế bào gốc tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu, chỉ mới có một số BV lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương,... được phép áp dụng trong điều trị bệnh lý chứ không áp dụng trong thẩm mỹ. Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cũng cho biết không cấp phép lưu hành cho bất cứ mỹ phẩm tế bào gốc nào do quy định tất cả các thành phần, sản phẩm có nguồn gốc từ những hệ, cơ quan của con người không được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Đối với các sản phẩm có thành phần là tế bào gốc có nguồn gốc từ thực vật, tính năng của sản phẩm cũng như nội dung quảng cáo của sản phẩm phải phù hợp và không được phép vượt quá với nội dung nghiên cứu tính năng, công dụng vốn có sản phẩm. Công nghệ tế bào gốc là gì? Công nghệ tế bào gốc là sự phát hiện, phân lập và duy trì tế bào gốc để chế tạo các sản phẩm từ tế bào gốc nhằm tăng sinh số lượng và biệt hóa tế bào gốc, tạo mô, cơ quan từ tế bào gốc và việc ứng dụng tế bào gốc, sản phẩm của nó vào các mục đích khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu tế bào gốc rất phức tạp do hoạt động nghiên cứu đa ngành, đa dạng, sản phẩm làm ra cũng rất phong phú, lại tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội, trong đó có những mặt trái (nhân bản vô tính) nên nghiên cứu tế bào gốc vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các cơ quan, người nghiên cứu. Nếu nền tảng công nghệ thấp thì công tác nghiên cứu này còn thách thức nữa. Ngoài ra, hiện tại, theo quy định của Cục Quản lý Dược, Bộ Y Tế, đối với các loại mỹ phẩm lưu thông khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; Mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Mỹ phẩm có chứa chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm sẽ bị đình chỉ lưu hành, thu hồi sản phẩm và buộc tiêu hủy. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất và buôn bán mỹ phẩm có hành vi vi phạm nêu trên cũng bị phạt tiền và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo (theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế). <em itemprop="author"> Phương Minh (VTC News)[/I]
Phương Minh

Theo baodautu.vn