Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá sữa trên thị trường thế giới tháng 5/2015 tiếp tục giảm so với tháng 4/2015.
Tại thị trường châu Úc, giá sữa bột gầy (FOB) ở mức 2.100-2.500 USD/tấn, giảm 150-400 USD/tấn; giá sữa nguyên kem 2.300 - 2.900 USD/tấn, giảm khoảng 75 - 200 USD/tấn.
Tại thị trường Tây Âu, giá sữa bột gầy (FOB) 1.950 - 2.250 USD/tấn, giảm khoảng 150 USD/tấn; giá sữa nguyên kem (FOB) ở mức 2.700 - 2.925 USD/tấn, giảm khoảng 75 USD/tấn.






Giá sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi đã giảm từ 1 - 5,5% trong tháng 5/2015



Theo Nghị định số 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 2 tuổi, Bộ Tài chính đã yêu cầu Sở Tài chính các địa phương, các doanh nghiệp rà soát và loại trừ hết khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại không được tính vào giá đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp đã rà soát, kê khai lại mức giá bán lẻ một số sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.
Đây là mức giảm giá lần thứ hai, các doanh nghiệp đăng ký sau chủ trương bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi được Bộ Tài chính thực hiện từ tháng 6/2014.
Trong tháng 5/2015, Bộ Tài chính tiếp tục công bố giá bán buôn tối đa, giá bán lẻ khuyến nghị và giá kê khai đối với các sản phẩm mới của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) và Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến - nhà phân phối của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition- Việt Nam; các sản phẩm mới của Công ty TNHH Netsle Việt Nam.
Như vậy, tính đến hết tháng 5/2015, đã có 715 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương.
Để tiếp tục bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và được Chính phủ đồng ý về chủ trương tiếp tục thực hiện quản lý giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời hạn từ ngày 1/6/2015 đến hết ngày 31/12/2016.
Theo Bộ Tài chính, trong quá trình thực hiện quản lý theo giá tối đa đã được công bố, nếu có những nguyên nhân khách quan tác động đến giá sữa, cơ quan quản lý nhà nước về giá chịu trách nhiệm rà soát, xác định giá tối đa cho phù hợp.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm sữa thực hiện kê khai giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của pháp luật về giá.
Thời gian qua, mặc dù Cơ quan quản lý Nhà nước về giá đã tăng cường các biện pháp quản lý giá, nhưng so với các thị trường trong khu vực, giá sữa tại Việt Nam vẫn đang ở mức cao.
Theo số liệu được cung cấp bởi Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ Ngoại giao), giá bán trung bình/kg của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi (bước 1 đến bước 4) với tất cả các nhãn hàng sữa của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Nếu giá bán trung bình sản phẩm sữa bột trẻ em (bước 1 đến bước 4) ở Việt Nam là 16 USD, thì ở Thái Lan chỉ là 14 USD, Philippines:12,9 USD, Malaysia: 10,9 USD và Indonesia chỉ có 9,5 USD.
Còn theo Tổ chức Nông - Lương Liên hiệp quốc (FAO) chỉ ra rằng, giá một số loại sữa nguyên liệu như sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem… có xu hướng giảm bình quân khoảng 5,8% trong năm 2015. Rõ ràng, giá bán lẻ sữa cho trẻ em tại một số nước trong khu vực thấp hơn sản phẩm tương tự tại Việt Nam.
Như vậy, các giải pháp quản lý giá và đưa mặt bằng giá sữa tại thị trường trong nước hạ xuống nữa vẫn đang là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Thế Hoàng

Theo baodautu.vn