Quảng cáo sai sự thật
Những khuyến cáo của Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra trong bối cảnh người tiêu dùng trở thành nạn nhân của các giao dịch mua sắm qua truyền hình ngày càng gia tăng.
Thực tế hoạt động của các doanh nghiệp những năm vừa qua cho thấy, hình thức mua sắm qua truyền hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn hại đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết, một trong những vấn đề nổi cộm của việc mua sắm qua truyền hình là quảng cáo sai sự thật. Khi mua sắm qua truyền hình, người tiêu dùng không có cơ hội quan sát trực tiếp cũng như cầm, thử và đánh giá sản phẩm.








Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Vinastas cho biết, thời gian gần đây, cơ quan này nhận được nhiều khiếu nại của người tiêu dùng về vấn đề mua phải hàng hóa kém chất lượng trên các kênh mua sắm qua truyền hình như Bestbuy, TV shopping...
Tuy nhiên, việc tìm kiếm và kết nối với các doanh nghiệp thông qua truyền hình để quảng bá sản phẩm rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Bởi vậy, phần lớn thua thiệt đều đổ lên người tiêu dùng. “Các sản phẩm bị quảng cáo sai sự thật rất đa dạng, từ sản phẩm đắt tiền như nữ trang, đồng hồ, điện thoại… cho đến sản phẩm sử dụng hàng ngày như chổi đa năng, quần áo định hình, đai giảm mỡ bụng, mỹ phẩm, đồ gia dụng…”, ông Tuấn nói.
Không chỉ quảng cáo sai sự thật, một vấn đề khác mà người tiêu dùng thường xuyên gặp phải khi mua hàng qua kênh truyền hình là sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng. Tình trạng này thể hiện qua việc trên sản phẩm không có thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, mã vạch, hoặc chỉ dẫn địa lý cho biết nơi sản xuất hoặc phân phối sản phẩm.
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, trên thực tế, có nhiều trường hợp người tiêu dùng đặt mua hàng hoá nhưng chỉ có tên sản phẩm, ngoài ra không có thông tin nào khác về nguồn gốc, xuất xứ, nhất là các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang sức…
Cảnh giác khi mua hàng gián tiếp
Theo khuyến cáo của Cục Quản lý cạnh tranh, các đơn vị bán hàng qua truyền hình đang hướng tới một số nhóm đối tượng, đó là người cao tuổi, người làm nội trợ và người dân ở những vùng nông thôn.
Đặc điểm của những nhóm người này là có nhiều thời gian, thường xuyên xem ti vi; không có nhiều cơ hội để tiếp cận với các kiến thức tiêu dùng, không cập nhật được những chiêu thức lừa đảo mới… Trong khi đó, mua sắm qua truyền hình thường xuyên tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đó là sản phẩm thật thường khác so với hình ảnh nhìn trên ti vi. Sản phẩm trên truyền hình được quảng cáo mang tính năng ưu việt, nổi tiếng trên thế giới, nhưng thực tế thì lại là thương hiệu rất ít người biết đến. Nhiều trường hợp là hàng trôi nổi, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hoặc lừa dối người tiêu dùng về xuất xứ sản phẩm.
Một số doanh nghiệp bán hàng qua truyền hình thực hiện việc lừa đảo người tiêu dùng bằng cách thông báo họ đã trúng phần thưởng giá trị cao như vàng, đồ điện tử, trang sức… Theo phản ánh từ các đơn khiếu nại, để nhận được giải thưởng này, doanh nghiệp yêu cầu người tiêu dùng mua thêm một món hàng nữa với giá trị lớn, hoặc đóng 10% tiền thuế hay chuyển khoản vào tài khoản của công ty… Sau khi làm theo yêu cầu trên, người tiêu dùng nhận được quà nhưng phát hiện phần thưởng là hàng giả, kém chất lượng, đôi khi là đồ chơi và không thể sử dụng.
Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, dưới góc nhìn khách quan, hình thức mua sắm qua truyền hình được đánh giá mang tính mới lạ, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, phù hợp với đối tượng người tiêu dùng quá bận rộn, có ít thời gian đi mua sắm.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trong những năm vừa qua cho thấy, hình thức mua sắm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn hại đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị lừa, cơ quan này khuyến cáo, người tiêu dùng cần xác minh lại các thông tin quảng cáo trước khi đưa ra quyết định mua sắm qua kênh truyền hình; Thận trọng với những sản phẩm sử dụng hàng ngày nhưng giá quá cao (dầu gội, thuốc nhuộm tóc, kem dưỡng da, đồ gia dụng…). Đặc biệt, luôn đặt câu hỏi với những sản phẩm được quảng cáo “rất tốt”, “ưu việt”, “số 1 thị trường”… Cảnh giác với những sản phẩm không có thương hiệu hoặc thương hiệu không nổi tiếng, rất ít người biết đến.
Người tiêu dùng không nên tin vào những thông báo trúng thưởng kèm theo điều kiện từ phía doanh nghiệp, như điều kiện trả thêm một số tiền để được nhận phần thưởng hoặc cung cấp các thông tin về bí mật cá nhân, tài khoản ngân hàng.
Thế Hoàng

Theo baodautu.vn