Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu dược phẩm của cả nước lên tới 1,45 tỷ USD, tăng hơn 120 triệu USD so với cùng kỳ năm 2014.
Thực tế, trên thị trường, dược phẩm ngoại đang lấn át nội. Theo số liệu của Bộ Y tế, thuốc nhập khẩu hiện chiếm 60% tổng tiêu thụ thuốc ở Việt Nam.






Năm 2014,Việt Nam nhập khẩu dược phẩm từ 30 thị trường trên thế giới, trị giá hơn 2 tỷ USD



Thị trường nhập khẩu dược phẩm chủ yếu của Việt Nam là các nước châu Âu, như Pháp, Đức, Anh, Italy, và 2 thị trường lớn khác là Hoa Kỳ và Ấn Độ. Trong đó, Pháp là thị trường nhập khẩu dược phẩm lớn nhất trong 8 tháng đầu năm, với giá trị nhập khẩu đạt 170 triệu USD. Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ đạt 139 triệu USD, Ấn Độ 138 triệu USD, Đức hơn 108 triệu USD, Hàn Quốc 93 triệu USD, Anh hơn 81 triệu USD, Italy hơn 74 triệu USD…
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay, tổng giá trị thuốc đã tiêu thụ năm 2014 lên tới 2,925 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu dược phẩm từ 30 thị trường trên thế giới, trị giá hơn 2 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2013, còn lại khoảng 900 triệu USD từ sản xuất trong nước.
Cụ thể, trong cơ cấu thị trường nhập khẩu trong năm qua, dược phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ Ấn Độ chiếm 13,1% tổng kim ngạch, đạt 267 triệu USD, tăng 7,75% so với năm 2013. Kế đến là Pháp, chiếm 11,7%, với kim ngạch 239,4 triệu USD; Đức 189 triệu USD; Hàn Quốc đạt 161,5 triệu USD…
Dược phẩm và dược liệu là những mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Ấn Độ. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ 2 về xuất khẩu dược phẩm và nguyên phụ liệu dược phẩm vào Việt Nam, với tổng kim ngạch giai đoạn 2010 - 2014 đạt 1,07 tỷ USD.
Bà Roja Rani, Trợ lý giám đốc bộ phận của Hội đồng Phát triển xuất khẩu dược Ấn Độ (Pharmexcil) kiêm phụ trách thị trường châu Á cho rằng, thị trường dược Việt Nam đang hội tụ rất nhiều yếu tố hấp dẫn, như tốc độ tăng trưởng dân số ổn định, sự nhận thức về sức khỏe của tầng lớp trung lưu và khả năng tiếp cận thuốc ngày càng được cải thiện. Đó là những yếu tố giúp ngành dược Việt Nam giữ vững tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới. Điều này cũng có nghĩa là, cơ hội cho các nhà sản xuất thuốc Ấn Độ còn rất lớn tại thị trường Việt Nam.
Đơn cử, chi tiêu thuốc bình quân đầu người củaViệt Nam hiện vẫn ở mức thấp, chỉ hơn 30 USD/người/năm, so với mức 96 USD của các nước đang phát triển và 186 USD của thế giới. Do vậy, chi tiêu cho dược phẩm còn có tiềm năng tăng trưởng tốt. Việt Nam hiện đứng thứ 13/175 nước và lãnh thổ về tốc độ tăng mức chi tiêu cho dược phẩm.
Cùng với đó, tâm lý của người Việt Nam vẫn ưa chuộng hàng ngoại tác động đến nhập khẩu thuốc. Thống kê chính thức cho thấy, bác sỹ Việt Nam chỉ kê 20 - 30% thuốc nội trên tổng số thuốc cho bệnh nhân.
Do thị trường dược phẩm phần lớn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, tất yếu kéo theo sự biến động về giá thuốc do thay đổi tỷ giá, phụ thuộc nguồn hàng từ nhà cung cấp, đặc biệt là các chủng loại thuốc đặc trị.
Riêng trong năm 2014, có tới 656 mặt hàng thuốc tăng giá. Trong đó, số mặt hàng thuốc nhập khẩu kê khai lại giá (tăng giá) là 84 mặt hàng và số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước kê khai lại giá (tăng giá) là 572 mặt hàng.
Bộ Y tế cho biết, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là TP.HCM (chiếm 50% số lượng doanh nghiệp) và Hà Nội (chiếm 30%) và 20% còn lại là doanh nghiệp tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Nam Định, Phú Yên…
Dẫn đầu tại thị trường dược nội địa là Sanofi Việt Nam, tiếp đến là Dược Hậu Giang và Traphaco.
Tuy nhiên, trong những năm tới, dược phẩm ngoại được dự báo vẫn sẽ lấn át sản phẩm nội, do sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt với các loại thuốc đặc trị, có giá trị cao như thuốc gây mê, thuốc giải độc đặc hiệu, chế phẩm máu, thuốc chống ung thư...
Thế Hoàng

Theo baodautu.vn