Ngày 1/2/2015 càng cận kề, sự quan tâm của giới đầu tư liên quan đến Thông tư 36/2014/TT-NHNN càng nóng hơn. Trên thị trường, một số nhà đầu tư còn cho rằng, động thái đi lên của thị trường trong một số phiên gần đây chính là xuất phát từ kỳ vọng Thông tư 36 có thể được hoãn thi hành. Thông tư 36 sẽ không ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc Thông tư 36 quy định tỷ lệ đầu tư kinh doanh cổ phiếu và đầu tư vào trái phiếu chính phủ đối với các tổ chức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn của tổ chức tín dụng, đồng thời giúp cho sự phát triển của thị trường chứng khoán. “Thị trường chứng khoán không nên phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ ngân hàng, bởi lẽ vốn ngân hàng huy động chủ yếu là kỳ hạn ngắn, rất dễ làm cho thị trường chứng khoán biến động, nhất là khi chính sách tiền tệ thay đổi để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát”, bà Hồng cho biết. Trước đó, một lãnh đạo cao cấp khác của Ngân hàng Nhà nước đã bày tỏ quan điểm không nên lùi Thông tư 36 và phải áp dụng đúng lộ trình. Ông này cho biết, về nguyên lý, thị trường vốn phải gánh đỡ thị trường tiền tệ, chứ không phải thị trường tiền tệ đỡ thị trường vốn. Do đó, việc siết lại nguồn tiền vay chứng khoán là cần thiết để tạo lập sự tăng trưởng bền vững với thị trường chứng khoán trong tương lai. Trước những diễn biến như hiện nay, một số nhà quan sát cho rằng, nhà đầu tư không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc có một sự nhượng bộ nào từ phía Ngân hàng Nhà nước liên quan đến Thông tư 36. Thực chất, mối lo ngại của giới đầu tư về việc quyền lực của “dòng tiền nóng” từ các ngân hàng đối với thị trường chứng khoán không phải không có cơ sở. Nhớ lại lịch sử của thị trường chứng khoán, tại thời điểm 2006 - 2007, dòng tiền từ các ngân hàng ồ ạt tràn sang, khiến cho thị trường chứng khoán phát triển quá nóng và ảo. Sau đó, nhiều ý kiến cho rằng, sự sôi sục trên thị trường chứng khoán thời kỳ này đã bị “xì hơi” bởi Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN ngày 28/5/2007 của Ngân hàng Nhà nước về kiểm soát quy mô, chất lượng tín dụng và cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Song hiện tại, giới chuyên môn cho rằng, Thông tư 36 ảnh hướng tới TTCK không nhiều, bởi sau nhiều cú ngã nhớ đời, nhà đầu tư đã thận trọng hơn nhiều và tỷ lệ vay đã giảm nhiều so với thời điểm thị trường bùng nổ hồi năm 2007. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, Thông tư 36 ra đời trong bối cảnh tổng lượng tiền giao dịch ký quỹ đã giảm nhiều so với những năm trước và đa phần các công ty chứng khoán đã có kế hoạch chuẩn bị từ cuối năm 2014. Do đó, sẽ không có cú sốc với thị trường nếu văn bản này vẫn được thực thi theo đúng lộ trình. Các cổ phiếu cũng đang được giao dịch với mức giá sát giá trị thực, chứ không ở mức “trên trời” như hồi năm 2007, nên sẽ không có khả năng xảy ra kịch bản tuột dốc. Với mặt bằng giá hiện nay, nếu thị trường giảm sâu thì sẽ lập tức có một dòng tiền đầu tư giá trị gia nhập thị trường và giúp thị trường phục hồi lại. Hơn nữa, giới quan sát cho rằng, việc Thông tư 36 thực thi ngay từ tháng 2/2015 theo đúng lộ trình cũng không có nghĩa là dòng vốn tín dụng đang có trên thị trường sẽ bị rút ra ngay lập tức. Bởi lẽ, những hợp đồng tín dụng đang thực hiện giữa ngân hàng và công ty chứng khoán cùng các hợp đồng giữa ngân hàng và nhà đầu tư vẫn tiếp tục được thực hiện bình thường theo nguyên tắc không hồi tố. <em itemprop="author"> Chí Tín [/I]
Chí Tín

Theo baodautu.vn