<header> Có lẽ vì Thông tư 36 không có thêm thông tin gì mới nên thị trường phiên hôm nay chịu tác đã tác động khá mạnh về tâm lý. Trái với vai trò trong những phiên trước, trong phiên cuối tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là “tội đồ” khiến thị trường giảm sâu. </header> Bước vào thời gian đầu của phiên giao dịch chiều, thị trường rơi mạnh xuyên qua ngưỡng 575 điểm nhưng ngay sau đó, lực cầu hấp thụ tốt đã giúp VN-Index khả dĩ gượng dậy. Tuy nhiên, ngưỡng 580 điểm dường như quá xa vời bởi áp lực bán vẫn chưa giảm. Đóng cửa, toàn sàn HOSE có tới 160 mã giảm và 71 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 7,21 điểm (-1,24%) xuống 576,07 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 102,2 triệu đơn vị, trị giá 1.853,84 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 4,48 triệu đơn vị, trị giá 168,59 tỷ đồng. Diễn biến VN-Index phiên 30/1 HNX-Index không có nhiều biến động so với chốt phiên sáng khi giảm 1,39 điểm (-1,6%) xuống 85,56 điểm với 136 mã giảm và 68 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 54,11 triệu đơn vị, trị giá 606,94 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 9,59 triệu đơn vị, trị giá 69,3 tỷ đồng. Riêng NVB thỏa thuận 9,29 triệu đơn vị, trị giá gần 65 tỷ đồng. Diễn biến HNX-Index phiên 30/1 Nhóm cổ phiếu VN30 và HNX30 vẫn là các lực cản chính của thị trường. Trong khi VN30-Index giảm 7,36 điểm (-1,2%) xuống 606,54 điểm với 26 mã giảm và chỉ 4 mã tăng thì HNX30-Index giảm 3,95 điểm (-2,35%) xuống 164,48 điểm cũng với 4 mã tăng và 22 mã giảm. VIC và MSN đi ngược xu hướng chung của thị trường với mức tăng tương ứng 0,84% và 1,82% là lực đỡ hỗ trợ tốt cho thị trường. Tuy nhiên, trước áp lực bán mạnh, đà giảm của các cổ phiếu bluechip khác như PVD, VNM, GAS, HSG, HPG, KDC… vẫn chưa dừng. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục suy giảm và hầu như đều nằm trong nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trong phiên như VCB giảm tới 3,25%, MBB giảm 4,05%, CTG giảm 4,26%, BID giảm 3,85%... Đáng chú ý, BID bị xả mạnh với khối lượng khớp lệnh đạt 4,22 triệu đơn vị. Điểm sáng trong phiên hôm nay chính là DXG. Dòng tiền bất ngờ hấp thụ mạnh giúp DXG có thời gian dài tăng điểm trong phiên chiều. Tuy nhiên, bơi ngược dòng luôn khó, trong xu thế bán mạnh chung thì việc DXG quay về mốc tham chiếu là bình thường. Chốt phiên DXG đứng giá 16.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 6 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường. Trên sàn HNX, diễn biến tiêu cực tiếp tục tiếp diễn khi đồng loạt các cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, chứng khoán duy trì đà giảm mạnh. Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn gồm KLF (hơn 7 triệu đơn vị), SCR (6,3 triệu đơn vị), SHB (4,14 triệu đơn vị), HUT (2,19 triệu đơn vị), KLS (1,5 triệu đơn vị). Một kết thúc buồn cho phiên giao dịch cuối tuần và cuối tháng đầu tiên của năm 2015. Quay lại với câu chuyện của Thông tư 36, nhiều nhà đầu tư vẫn hy vọng một chút thay đổi về cuối giờ, chẳng hạn sự chỉnh sửa tỷ lệ giới hạn 5% cho vay chứng khoán của các ngân hàng. Tiếc rằng điều này đã không xảy ra! Nhưng một cách thẳng thắn, vị lãnh đạo trên của NHNN cho biết, thực tế các ngân hàng đều đã điều chỉnh các tỷ lệ sở hữu, tỷ lệ đầu tư... về các mức giới hạn của Thông tư 36, chứ không phải chưa áp dụng. Trên thực tế, khi điều này diễn ra, thị trường thậm chí còn phục hồi. Đó là ngắn hạn, còn về dài hạn Thông tư này giúp hoạt động ngân hàng lành mạnh hơn, từ đó tác động tích cực tới thị trường tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng. "Cổ phiếu ngân hàng đã tăng giá, đó là tín hiệu tốt, tôi tin rằng điều này sẽ có tác động lan tỏa tới các cổ phiếu khác", vị lãnh đạo trên cho biết. Câu chuyện về Thông tư 36 đã chấm dứt, tác động thực tế của văn bản này tới chứng khoán cần chờ thời gian để trả lời. Bây giờ nhà đầu tư có lẽ nên quay sáng một câu chuyện khác, chẳng hạn như mùa báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, dòng tiền ngoại thường giải ngân đầu năm, giá xăng hạ giúp doanh nghiệp sẽ có một năm 2015 tốt hơn (trừ nhóm dầu khí),... Một mùa Xuân mới lại về! <em itemprop="author"> Thanh Thúy (Tinnhanhchungkhoan.vn)[/I]
Thanh Thuý

Theo baodautu.vn