Nếu trong phiên giao dịch sáng, thị trường thoát hiểm nhờ lực đỡ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, thì sang phiên chiều, áp lực bán lan rộng khiến trụ đỡ này cũng không thể đỡ nổi. Càng về cuối phiên, áp lực bán càng tăng mạnh và mức giá bán ra cũng giảm dần, kéo cả 2 chỉ số giảm sâu và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Thanh khoản tăng mạnh so với phiên trước khi lực bán giá thấp gia tăng. Đóng cửa, toàn sàn HOSE có tới 156 mã giảm và chỉ 69 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 4,29 điểm (-0,72%) xuống 592,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 99,24 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.754,31 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 1,9 triệu đơn vị, trị giá 42,19 tỷ đồng. VN30-Index giảm 4,73 điểm (-0,76%) xuống 619,44 điểm với 7 mã tăng, 19 mã giảm và 4 mã đứng giá. Diễn biến VN-Index phiên ngày 25/2 Trên sàn HNX có 117 mã giảm và 73 mã tăng, chỉ số HNX-Indexgiảm 0,73 điểm (-0,84%) xuống 85,66 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 53,64 triệu đơn vị, trị giá 668,91 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới 10 tỷ đồng. Diễn biến HNX-Index phiên ngày 25/2 Nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn giữ được vai trò dẫn dắt như phiên sáng và các phiên trước đó, mà đã có sự phân hóa. VCB sau phiên tăng trần bất ngờ trong đợt ATC chiều qua, đã đảo chiều giảm hơn 2,3% trong phiên hôm nay, MBB giảm nhẹ 0,7%, trong khi BID cũng trở lại mốc tham chiếu. Sắc xanh nhạt chỉ còn tồn tại ở STB, CTG, EIB. Thanh khoản của nhóm cổ phiếu này vẫn tích cực khi BID khớp 6,84 triệu đơn vị, CTG khớp 5,56 triệu đơn vị, MBB khớp 2,67 triệu đơn vị, STB và EIB cùng khớp hơn 1,5 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, các cổ phiếu bluechip cũng không còn là trụ đỡ của thị trường. Ngoại trừ VNM tăng tích cực 1,87%, còn lại các cổ phiếu lớn khác đã đảo chiều, như VIC giảm 2,91%, PVD giảm 1,7%, GAS giảm 1,26%, BVH giảm hơn 3%... Cổ phiếu đang chú ý trong phiên là OGC với kết quả kinh doanh cả năm 2014 khả quan với khoản lãi ròng của công ty mẹ lên đến 387 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ đạt 91 tỷ đồng đã giúp cổ phiếu tiếp tục có lực hút đối với nhà đầu tư. Sắc tím được duy trì đến hết phiên giao dịch khi OGC tăng 5,66% lên 5.600 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1 triệu đơn vị và dư mua trần 2,14 triệu đơn vị. FLC là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HOSE khi chuyển nhượng thành công hơn 8,63 triệu đơn vị. Tuy nhiên, cùng chịu áp lực bán của toàn thị trường, FLC đã đóng cửa ở mức giá thấp nhất trong phiên khi giảm 3,54% xuống 10.900 đồng/CP. Trên sàn HNX, hầu hết các cổ phiếu bluechip cũng chuyển đỏ là nguyên nhân chính khiến HNX-Index đảo chiều giảm điểm. Trong khi các cổ phiếu họ dầu khí như PVC và PVS tiếp tục suy giảm xuống mức giá thấp nhất trong phiên thì lực cầu mạnh đã hỗ trợ tốt giúp PVX giữ giá khá tốt. Tuy không giữ được sắc tím được hết phiên nhưng đóng cửa, PVX đã tăng 3,92% lên 5.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên đến 8,92 triệu đơn vị. Trong khi đó, FIT dù có báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 khả quan với lợi nhuận sau thuế vượt tới hơn 89% kế hoạch năm nhưng cũng bị điều chỉnh với mức giảm hơn 6%. Cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản vẫn là KLF với hơn 9,57 triệu đơn vị được khớp lệnh. Đóng cửa, KLF giảm 2,78% xuống 10.500 đồng/CP. Trong phiên hôm nay, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có đóng góp tích cực cho thanh khoản toàn thị trường khi mua vào hơn 12 triệu đơn vị trên HOSE và hơn 3,9 triệu đơn vị trên HNX. Tổng cộng trong phiên, khối này đã mua ròng 204,67 tỷ đồng trên HOSE và 41,76 tỷ đồng trên sàn HNX. Dù thị trường đã có phiên giảm khá mạnh trở lại trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, với lực cầu khá mạnh, cùng với việc khối ngoại tiếp tục rót hàng trăm tỷ đồng và sự quan tâm của Chính phủ với thị trường chứng khoán, nhiều khả năng đây chỉ là phiên điều chỉnh ngắn hạn trong xu hướng tăng của thị trường. <em itemprop="author"> Thanh Thuý (Tinnhanhchungkhoan.vn)[/I]
Thanh Thuý

Theo baodautu.vn