Thị trường phiên sáng nay chủ yếu diễn biến lình xình dưới tham chiếu khi hầu hết các mã bluechips trong xu hướng điều chỉnh. Tâm lý thận trọng khiến nhịp độ giao dịch trên thị trường trùng hẳn lại, kéo thanh khoản tiếp tục suy giảm.

Trong phiên chiều nay, diễn biến thị trường cũng không khá khẩm hơn so với phiên sáng. Dường như nhà đầu tư chỉ giao dịch cầm chừng để chờ xem diễn biến của khối ngoại, bởi tuần này các quỹ ETFs sẽ công bố review danh mục.
VN-Index giao dịch giằng co trong nửa đầu phiên khiến nhà đầu tư sốt ruột và đẩy bán mạnh hơn. Chỉ số theo đó tiếp tục lùi sâu và đánh mất tiếp mốc 590 điểm. Cũng như các phiên trước, nỗ lực đẩy chỉ số lại được khởi động mỗi khi thị trường sụt giảm, vừa đủ để mốc này được giữ lại. Tương tự, HNX cũng giữ được mốc 85 điểm khi giao dịch trên sàn cũng diễn ra ảm đạm.
Đóng cửa, với 117 mã giảm và 91 mã tăng, VN-Index giảm 1,81 điểm (-0,31%) xuống 590,73 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 1,31 điểm (-0,22%) xuống 617,05 điểm với 14 mã giảm và 11 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 86,65 triệu đơn vị, trị giá 1.462 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 10 triệu đơn vị, trị giá 224,58 tỷ đồng. Đáng chú ý có 6,4 triệu cổ phiếu MBB trị giá 89,6 tỷ đồng và 1,5 triệu cổ phiếu SSI trị giá gần 41 tỷ đồng.






Diễn biến VN-Index phiên 2/3



Với 92 mã giảm và 67 mã tăng, HNX-Index giảm 0,3 điểm (-0,35%) về 85,48 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 1,02 điểm (-0,61%) xuống 165,69 điểm với 15 mã giảm và 5 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 32,38 triệu đơn vị, trị giá 405,61 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ là 7,65 tỷ đồng.






Diễn biến HNX-Index phiên 2/3



Trong nhóm VN30, có 8/11 mã tăng giá nhờ khối ngoại gom mạnh, còn lại hầu như giao dịch ở mức thấp. Như VIC tăng 400 đồng lên 49.900 đồng/CP và khớp hơn 788.000 đơn vị, trong đó khối ngoại mua hơn 374.000 đơn vị. MSN tăng 1.000 đồng lên 86.500 đồng/CP và khớp hơn 120.000 đơn vị, trong đó khối ngoại mua 101.000 đơn vị...
Việc nhóm này không còn giữ được nhịp tăng nên thị trường không thể chuyển biến.
Tương tự, nhóm ngân hàng cũng đồng loạt yếu đà. Chỉ VCB và STB trụ lại ở mốc tham chiếu, còn lại MBB, CTG, BID, EIB đều giảm dưới tham chiếu. CTG khớp hơn 3 triệu đơn vị và giảm 300 đồng. BID khớp 2,3 triệu đơn vị, STB, MBB và MBB khớp trên 1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không có nhiều sự thay đổi về giá. OGC và HAI vẫn nằm sàn với lần lượt 6,7 triệu đơn vị và 4,35 triệu đơn vị được khớp.
FLC tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 10,2 triệu đơn vị khớp lệnh và giữ nguyên mức tăng 100 đồng lên 11.100 đồng/CP.
Trên HNX, giao dịch ảm đảm kéo dài gần hết phiên và chỉ sôi động hơn đôi chút ở đợt khớp lệnh ATC.
Trong khi ACB giữ mốc tham chiếu thì SHB cũng giữ mức giảm 100 đồng, SHB khớp 2,73 triệu đơn vị.
FIT sau khi công bố kế hoạch tăng vốn khủng đã giảm mạnh 600 đồng xuống 17.600 đồng/CP và khớp 2,53 triệu đơn vị.
Mã dẫn đầu thanh khoản là KLF cũng chỉ đạt 4,29 triệu đơn vị, đóng cửa tại mốc tham chiếu 10.600 đồng/CP.

Nguyễn Tùng (Tinnhanhchungkhoan.vn)
Nguyễn Tùng

Theo baodautu.vn