Tình trạng doanh nghiệp chây ì trả cổ tức diễn ra khá phổ biến



Cần có hướng dẫn cụ thể
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Trong văn bản gửi tới Báo Đầu tư Chứng khoán, một số nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đã có những góp ý cho dự thảo Nghị định.
Cụ thể, nhóm nhà đầu tư này đề nghị, cơ quan soạn thảo cần có hướng dẫn cụ thể Ðiều 132 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về trả cổ tức, nếu không quy định này sẽ khó khả thi, không xử lý hiệu quả được tình trạng doanh nghiệp chây ì trả cổ tức khá phổ biến như hiện nay.
Khoản 4, Điều 132 Luật Doanh nghiệp quy định: cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp Đại hội cổ đông thường niên. Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần...
Để quy định trên được rõ ràng, khả thi, nhà đầu tư đề nghị cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết Luật Doanh nghiệp cần hướng dẫn rõ 3 nội dung sau.
Thứ nhất, nếu quyết định trả cổ tức năm 2014 được thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015, thì thời hạn trả cổ tức là 6 tháng kể từ ngày kết thúc cuộc họp như quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Thứ hai, trong trường hợp hết 6 tháng, nhưng doanh nghiệp vẫn không trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông theo nghị quyết đại hội cổ đông, thì lãi phạt quá hạn tính theo lãi phạt chậm nộp thuế của doanh nghiệp.
Thứ ba, trường hợp cổ tức của các năm 2013 trở về trước đã được đại hội cổ đông thông qua, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa trả (quá thời hạn 6 tháng) thì phải chốt và trả cho cổ đông trước ngày 30/6/2015. Quá thời hạn này, mà công ty vẫn không chi trả, thì phải chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức và chịu lãi phạt ngang bằng như lãi phạt chậm nộp thuế của doanh nghiệp.
Giới đầu tư quan ngại, nếu văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp không hướng dẫn chi tiết quy định về trả cổ tức theo hướng đề xuất như trên, thì quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ khó được bảo vệ.
“Không có văn bản hướng dẫn, nhưng đã có công cụ bảo vệ cổ đông”
Đó là khẳng định của ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM, người đang trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị định. Lý do là bởi trong số các nội dung mà Luật Doanh nghiệp 2014 giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, thì không có nội dung về trả cổ tức. Điều này đồng nghĩa, Chính phủ không được phép hướng dẫn các nội dung mà Luật không giao, nếu đưa ra hướng dẫn chi tiết là sai luật. Do đó, nội dung về trả cổ tức sẽ thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Ông Hiếu khẳng định, quy định như Điều 132 về trả cổ tức tại Luật Doanh nghiệp 2014 là đã đảm bảo rõ ràng, khả thi. Trong quá trình soạn thảo Luật, Ban soạn thảo đã cân nhắc kỹ các yếu tố có liên quan để đảm bảo tính khả thi khi đưa ra quy định về trả cổ tức. Cụ thể, khi đưa ra quy định này, Ban soạn thảo đã tham vấn ý kiến của các bên liên quan, nhất là ý kiến của tòa án trong trường hợp doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về trả cổ tức như quy định tại Luật Doanh nghiệp, đồng thời cổ đông khởi kiện ra tòa, thì tòa án có giải quyết được tranh chấp này không? Câu trả lời mà Ban soạn thảo Luật nhận được từ cơ quan tòa án là hoàn toàn xử lý được vụ kiện này, nếu các nguyên đơn (cổ đông) có bằng chứng chứng minh doanh nghiệp vi các quy định về trả cổ tức.
Giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư về trường hợp nếu doanh nghiệp chậm trả cổ tức, cách nào để cổ đông có thể yêu cầu tòa án buộc doanh nghiệp phải trả thêm phần lãi chậm trả cổ tức, ông Hiếu nhấn mạnh, trên cơ sở các chứng lý mà nguyên đơn đưa ra, tòa án sẽ đưa ra phán quyết về vấn đề này theo quy định của pháp luật dân sự, cũng như các quy định pháp lý liên quan. Do đó, quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông sẽ được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Hữu Hoè (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn