Thưa ông, ông nhận định thế nào về thị trường trái phiếu năm 2015?
Năm 2014, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng xấp xỉ 5,98%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Việt Nam đang đứng trước cánh cửa hồi phục kinh tế. Năm 2015, những trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế vẫn còn. Quy mô một nền kinh tế lớn lên, tái cấu trúc hiệu quả, lạm phát, tỷ giá ổn định, lãi suất giảm, thặng dư cán cân thanh toán cao, nguồn vốn đầu tư từ FDI tăng…
Tất cả những điều này tạo ra niềm tin lớn cho nhà đầu tư và sẽ tác động đẩy thị trường trái phiếu phát triển. Lãi suất càng giảm, thì giá trái phiếu càng tăng. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu trong 5 năm qua, với số lượng phát hành tăng kỷ lục.








Nhưng vì sao khối lượng phát hành trái phiếu lại giảm mạnh trong quý I/2015?
Lợi suất trái phiếu tăng mạnh trong tháng 12/2014, nhưng sau đó đã giảm dần trong quý I/2015. Một phần, do lạm phát đã giảm liên tục 3 tháng. Xu hướng thời gian tới, thị trường trái phiếu sẽ tăng trưởng khi dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế rõ nét hơn.
Một điểm quan trọng nữa là, khi lãi suất càng giảm, giá trị trái phiếu càng tăng. Chưa kể, Chính phủ đang tìm cách cơ cấu lại sản phẩm bằng cách đưa ra nghị quyết về việc tái cơ cấu kỳ hạn thị trường trái phiếu. Kéo thời hạn nợ dài ra, đỡ gây áp lực về dòng tiền… Với những nền tảng trên, tôi cho rằng, khối lượng phát hành trái phiếu sẽ tăng kỷ lục trong 5 năm tới.
Nhu cầu trái phiếu từ các ngân hàng năm nay ra sao khi phải áp dụng Thông tư 36/2014/TT-NHNN?
Với các quy định của Thông tư 36 có khống chế tỷ lệ đầu tư trái phiếu. Cụ thể, ngân hàng thương mại trong nước được đầu tư trái phiếu chính phủ theo tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn là 35%, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15%.
Đồng thời, xem xét yếu tố kỳ hạn còn lại của trái phiếu chính phủ để tính toán chỉ số danh mục trái phiếu chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn, phù hợp với tiêu chí quy định tại Điều 17, Thông tư 36 là tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn. Nhưng nếu xét tổng thể, “room” còn lại của các ngân hàng thương mại để đầu tư vào trái phiếu chính phủ vẫn vượt tổng số lượng phát hành trái phiếu chính phủ huy động vốn trong năm nay mà Chính phủ, Bộ Tài chính đưa ra.
Những rủi ro trong đầu tư trái phiếu cần lưu ý là gì?
Kênh đầu tư này có rủi ro đặc thù như rủi ro về thanh khoản, giá, pháp lý, nếu bị khống chế tỷ lệ, giới hạn. Ngoài ra, việc phát triển trái phiếu chính phủ cũng phụ thuộc vào bức tranh chung của nền kinh tế. Đồng thời, việc đầu tư trái phiếu có hấp hẫn hay không sẽ không xét ở hiện tại, mà xét ở xu hướng lãi suất đi ngang, lên hay xuống. Tuy nhiên, ở thời điểm này, những yếu tố rủi ro trên là không lớn.
Vân Linh

Theo baodautu.vn