Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi ba yếu tố: kinh tế vĩ mô trong nước, các yếu tố liên quan đến chính sách của cơ quan quản lý và các yếu tố kinh tế toàn cầu, đặc biệt là của Mỹ.
Trước hết, điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục được duy trì ổn định. Như đề cập trước đây, chúng tôi kỳ vọng lạm phát duy trì ở mức vừa phải, lãi suất vay ngân hàng giảm, nhu cầu tiêu dùng tăng và thâm hụt ngân sách ở ngưỡng kiểm soát. Những yếu tố này đều ảnh hưởng tốt lên TTCK. Quan trọng hơn, yếu tố trên đã bắt đầu tác động tích cực đến lợi nhuận của DN. Lợi nhuận của các DN đã tăng 10% trong năm 2014, cao hơn so với những năm trước.








Chính sách điều hành đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của thị trường về dài hạn. Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tác động đến hệ số P/E trong quý IV/2014 và quý I/2015, song những ảnh hưởng này đã được phản ánh vào giá hiện tại. Trong quý II và III/2015, việc sửa đổi Thông tư 210/2012/TT-BTC sẽ hạn chế thanh khoản của thị trường và giảm giá cổ phiếu. Nghị định 34/2015/NĐ- CP của Chính phủ có thể cải thiện được sức khỏe các ngân hàng trong dài hạn, khi cho phép Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có nhiều quyền hạn hơn trong thu mua và xử lý nợ xấu, nhưng sẽ khó gây tác động trong quý II/2015.
Chúng tôi nhận thấy mối tương quan trái chiều (tỷ lệ tương quan lên đến 82,7%) giữa lãi suất phi rủi ro (lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm) và hệ số P/E của thị trường chứng khoán trong quá khứ. Trong năm 2015, mối tương quan dường như được thiết lập lại tại ngưỡng P/E thấp hơn. Do lạm phát tăng trở lại, nên kỳ vọng, lợi suất trái phiếu sẽ tăng nhẹ. Như vậy, hệ số P/E có thể không thay đổi đáng kể quanh ngưỡng 12 lần.
Yếu tố mạnh nhất thúc đẩy cổ phiếu tăng giá có thể là giá dầu thô thấp. Điều này sẽ gây tác động lên thu ngân sách, nhưng sẽ được bù đắp bởi những tác động tích cực từ phía các công ty tiêu thụ xăng dầu. Cùng lúc đó, thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản đang đến gần, điều này có nghĩa rằng, chúng ta đang tiền gần tới thời điểm nguồn tiền đầu tư tại các quốc gia mới nổi sẽ bị rút dần để quay về Mỹ.
Càng đến thời điểm Fed ra quyết định nâng lãi suất, đồng USD càng tăng và dự báo, còn tiếp tục mạnh trong vài năm tới. Đồng USD mạnh lên chính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới TTCK Việt Nam trong tháng 3/2015 và vẫn sẽ là tác nhân ảnh hưởng trong các quý tiếp theo. NHNN tỏ rõ quyết tâm thực hiện kế hoạch không phá giá VND nhiều hơn 2% trong năm nay. Do dự trữ ngoại hối dồi dào, NHNN có thể thực hiện được mục tiêu này. Nhưng nếu tiếp tục như vậy, VND sẽ bị định giá cao hơn so với các ngoại tệ khác trên thị trường tiền tệ quốc tế.
So với Thái Lan, Indonesia và Philippines, giá trị của cổ phiếu Việt Nam đã bị tác động mạnh hơn cả bởi dòng tiền rút vốn toàn cầu. Cuối quý I/2015, Chỉ số VN-Index giao dịch tại hệ số P/E 12,4 lần, trong khi Bangkok, Jarkarta và Philippines lần lượt được giao dịch tại hệ số P/E 19,8, 22,1 và 21,9 lần. Các thị trường này lâu nay được giao dịch với P/E cao hơn so với Việt Nam, tuy nhiên, sự chênh lệch đã được giãn rộng hơn và không tương thích với các chỉ số ROE, ROA và hệ số phi rủi ro. Hệ số P/E của VN - Index tăng trở lại mức 14 lần là thích hợp hơn cả.
(*) Giám đốc Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank
Barry David Weisblatt (*)

Theo baodautu.vn