1. PMC: Khó có khả năng tăng trưởng mạnh về doanh thu
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Chúng tôi đã có chuyến thăm đến CTCP Dược liệu Pharmedic (PMC) sáng ngày 08/05/2015. Dưới đây là những thông tin cập nhật nhanh:
Khó có khả năng tăng trưởng mạnh về doanh thu, chủ yếu là do:
(1) Hạn chế về năng lực sản xuất. Nhà máy sản xuất duy nhất của PMC hiện đã đạt mức toàn dụng trong khi kế hoạch xây dựng nhà máy mới chỉ mới được ĐHCĐ thường niên 2015 tổ chức hôm 25/04/2015 thông qua chủ trương, vẫn chưa có kế hoạch chi tiết.
(2) Cơ cấu sản phẩm. PMC hiện có khoảng 86 sản phẩm, trong đó nhóm 5 sản phẩm chính, đóng góp khoảng 70% tổng doanh thu cho PMC phần lớn đều là các sản phẩm có thương hiệu lâu năm. Tuy nhiên, nhóm này chỉ bao gồm các sản phẩm đơn giản, dễ bị làm giả,... như thuốc lợi gan mật BAR; dung dịch nước muối rửa mắt mũi Natri Clorid; dung dịch sát khuẩn, sát trùng Povidine;... Do vậy, chúng tôi vẫn khá e ngại về khả năng tăng trưởng của nhóm sản phẩm này, đặc biệt là trong tình hình áp lực cạnh tranh của ngành dược đang ngày gay gắt hơn.
Kế hoạch lợi nhuận thận trọng. Như kết quả được ĐHCĐ TN 2015 thông qua, PMC đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 2015 khoảng 2% cùng kỳ năm ngoái, đạt 370 tỷ đồng. Như phân tích ở trên, chúng tôi cho rằng chỉ tiêu doanh thu này là khá hợp lý. Tuy nhiên, kế hoạch 53 tỷ đồng lãi ròng, giảm 15% cùng kỳ năm ngoái là tương đối thận trọng. Công ty chưa đưa ra được lý giải nào cụ thể cho sự sụt giảm này. Thêm vào đó, bình quân 4 năm gần nhất (2011-2014), kết quả lợi nhuận đạt được hàng năm của PMC đều vượt kế hoạch gần 40%.
KQKD quý I/2015 - không có đột biến. Quý I/2015, doanh thu thuần của PMC tăng 4,8% cùng kỳ năm ngoái, đạt 89,9 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế vẫn duy trì ở mức 14,7 tỷ đồng, gần như không đổi so với cùng kỳ 2014. Điều này chủ yếu là do biên lợi nhuận gộp giảm từ mức 43,7% trong quý I/2014 xuống còn 41,9% trong quý I/2015.
Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu quý I/2015 có thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng mức giảm không nhiều, chỉ khoảng 0,6 điểm phần trăm cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc quý I/2015, PMC đã hoàn thành được 24,3% và 27,8% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2015.
Đánh giá. PMC đang giao dịch ở mức chỉ khoảng 7,2 lần PE 2015, thấp hơn mức 10,5 lần bình quân ngành. PMC hiện vẫn đang dẫn đầu các công ty dược niêm yết về khả năng sinh lợi với mức ROE và biên lợi nhuận ròng đạt lần lượt 36% và 16,6%, so với mức bình quân ngành là 18,2% và 7,7%. Công ty không có nợ vay. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng của PMC hiện lại đang bị hạn chế.
2. VHC vẫn là cổ phiếu ưa thích trong ngành thủy sản
ĐHCĐ của VHC đã thông qua kế hoạch 2015 với doanh thu ước đạt 7.270 tỷ đồng, tăng 15% so với kết quả thực hiện năm 2014. Mức tăng này chủ yếu đóng góp từ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản mục tiêu đạt 240 triệu USD, tăng 18% cùng kỳ năm ngoái, nhờ tăng quy mô và thị phần xuất khẩu ở các thị trường chính. Đồng thời công ty cũng tiếp tục mở rộng và hoàn thiện các vùng nuôi cá tra, đảm bảo cung cấp 65% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế từ hoạt động này lần lượt ước đạt 6.525 tỷ đồng và 291 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực collagen và gelatin, nhà máy sau giai đoạn nghiệm thu và vận hành thử nghiệm trong quý I/2015 sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ hóa dây chuyền sản xuất và chuẩn hóa các thông số sản xuất. Theo đó kế hoạch nhà máy sẽ sản xuất 35% công suất và công ty bắt đầu bán hàng trong năm nay nhằm tạo ra doanh thu cho sản phẩm này. Ước tính sẽ đóng góp 180 tỷ vào tổng doanh thu và 17 tỷ vào tổng lợi nhuận sau thuế.






EPS 2015 của VHC ước đạt 4.389 đồng/cp



Đối với mảng thức ăn, VHC cho biết trong 2014 doanh thu và lợi nhuận sau thuế đến từ công ty con Thức ăn Thủy sản Vĩnh Hoàn 1 (VH1). Tuy nhiên, VH1 đã được bán cho đối tác Philippines trong năm ngoái nên trong 2015, hoạt động này chỉ đơn thuần là kinh doanh thức ăn của VHC. Theo đó, biên lợi nhuận ròng sẽ thấp ở mức 2% (cùng kỳ là 12%) và lợi nhuận ròng ước đạt 12 tỷ, giảm 81% cùng kỳ năm ngoái.
VHC đang thu hẹp ngành gạo, giảm ảnh hưởng của hoạt động này vào kết quả chung của công ty. lợi nhuận sau thuế 2015 theo kế hoạch của VHC là 320 tỷ, tương đương KQ 2014 (loại trừ lợi nhuận bất thường từ bán VH1 là 142 tỷ).
Năm 2015, VHC có kế hoạch mở rộng xây dựng và nâng cấp nhà máy chế biến thủy sản và xưởng bột cá (560 tỷ đồng), xây dựng mua sắm các thiết bị máy móc nhà máy Vĩnh Hoàn 5 (collagen) cho các hạng mục còn lại (100 tỷ đồng), đồng thời đầu tư xây dựng và mở rộng vùng nuôi (90 tỷ đồng). Kế hoạch trả cổ tức 2015 là 15% bằng tiền mặt.
Quý 1/2015, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của VHC đạt 1.508 và 103 tỷ đồng, tăng 30% và 2,6 lần cùng kỳ.
Đánh giá. Với vị thế đứng đầu ngành cá tra, chiếm tỷ trọng 12% về giá trị xuất khẩu trong 2014 (cải thiện nhiều so với mức 9,5% của 2013), VHC vẫn là cổ phiếu ưa thích của chúng tôi trong ngành thủy sản.
Xét riêng trong 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cá tra của VHC tăng 34% cùng kỳ năm ngoái và đạt 81 triệu USD, trong khi toàn ngành giảm 13% cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi cho rằng thị trường Mỹ của VHC đang tăng trưởng tốt nhờ thuế chống bán phá giá POR10 ở mức 0% (trong khi các DN xuất khẩu cá tra khác bị đánh cao hơn). Điều này giúp VHC đẩy mạnh được thị phần của mình tại Mỹ, nơi mà giá bán cá tra cao nhất so vơi các thị trường khác. Theo đó, biên lợi nhuận gộp trong quý I/2015 tăng 1,6 điểm phần trăm. lợi nhuận tài chính ròng đạt 22 tỷ, cải thiện nhiều so với mức âm 4 tỷ cùng kỳ nhờ lãi tiền gửi tăng (tiền mặt và tiền gửi của VHC cuối 2014 là 892 tỷ còn cuối 2013 là 74 tỷ). Do vậy, lợi nhuận sau thuế quý I/2015 tăng 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái.
Kì vọng lạc quan về nhà máy Collagen đã bắt đầu hoạt động trong quý I/2015, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2015 của VHC khoảng 7.190 tỷ và 405 tỷ, tăng 14% cùng kỳ năm ngoái và 26% cùng kỳ năm ngoái (so với KQ 2014 đã loại trừ lợi nhuận bất thường từ VH1). Với kế hoạch như trên, EPS 2015 ước đạt 4.389 đồng/cp, tương đương PE 8,2 lần, thấp hơn trung bình lịch sử 10 lần.
3. Khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho HPG
CTCK MB (MBS)
Theo báo cáo, sản lượng bán ra tại TP. HCM của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt 18.000 tấn, tăng 123% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, sản lượng bán ra tại Đà Nẵng và Bình Định (thuộc khu vực miền Trung) tăng lần lượt 167% và 53%.
Sản lượng bán ra trong bốn tháng đầu năm của HPG đạt 437.000 tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, công ty đã hoàn tất 36% mục tiêu đề ra cũng như dự báo của chúng tôi.
Gần đây, HPG đã khởi công giai đoạn 3 nhà máy nhiệt điệt để tăng công suất thêm 40% lên 52MW (tháng 04/2016). Điều này sẽ giúp HPG tự đáp ứng được 30% nhu cầu điện dù công suất tăng 66% từ tháng 03/2016 khi giai đoạn 3 nhà máy BOF hoàn tất.
Giá quặng sắt có xu hướng tăng (khoảng 20% lên 60USD/tấn trong tháng qua) là tín hiệu tích cực đối với HPG. Giá sắt trên 70USD/tấn sẽ giúp HPG có lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh vì có thể dùng chính quặng sắt của công ty.
Chúng tôi xin lưu ý nhà đầu tư rằng HPG sẽ hoàn tất mở rộng công suất trong tháng 03/2016 và đến nay, sản lượng bán ra ở mức cao, do đó dự kiến EPS sẽ tăng tiếp 20% từ năm 2016. Đáng chú ý, giá thép đã giảm trong 5 năm qua, nhưng HPG vẫn đạt tăng trưởng EPS 30%-40% trong giai đoạn 2012-2014 nhờ mở rộng công suất.
Chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho HPG. Cổ phiếu HPG hiện đang giao dịch với PER là 8,4 lần trên cơ sở dự báo EPS ròng của chúng tôi là 5.100 đồng. Ngày mai là ngày giao dịch không hưởng quyền đối với cổ tức bằng tiền mặt 1.000 đồng/cổ phiếu và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% và cổ phiếu thưởng. Do đó, giá cổ phiếu HPG sẽ được điều chỉnh giảm xuống 28.000 đồng (được tính dựa trên giá đóng cửa ngày 6/5). Như vậy, giá mục tiêu của chúng tôi sẽ được điều chỉnh thành 34.700 đồng.
Thành Lê (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn