Số lượng doanh nghiệp phải CPH từ nay đến cuối năm còn rất lớn khiến nhiều bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty hết sức lo lắng, nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu CPH 432 doanh nghiệp trong năm 2014 và năm 2015. Suốt từ năm 2014 đến nay, mặc dù đã rất quyết liệt nhưng số lượng doanh nghiệp CPH chưa đạt tiến độ, vẫn còn khoảng 250 doanh nghiệp nữa phải hoàn tất chuyển đổi sở hữu, chưa kể số doanh nghiệp được bổ sung vào danh mục chuyển đổi sở hữu theo Quyết định 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước. Chính vì vậy, bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nào còn nhiều doanh nghiệp chưa chuyển đổi sở hữu lo lắng cũng là điều dễ hiểu.







CPH, thoái vốn tại những lĩnh vực Nhà nước không cần đầu tư là việc đương nhiên phải làm để tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng theo tôi, điều này không có nghĩa là phải CPH ngay, thoái hết vốn nhà nước, đặc biệt là tại các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Có nghĩa là không nên quá cứng nhắc?
Tôi xin nhắc lại, CPH, thoái vốn tại những lĩnh vực nhà nước không cần thiết phải đầu tư vốn là chủ trương đúng, cần phải quyết liệt thực hiện, nhưng triển khai không nên quá cứng nhắc, phải làm ngay, làm bằng được. Nếu quá cứng nhắc sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Thứ nhất, tài sản nhà nước bị hao hụt, vì nhu cầu của thị trường có hạn, khi tất cả doanh nghiệp đều cố gắng đấu giá cổ phần, thoái vốn đã đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính bằng mọi giá thì giá cổ phần, giá vốn giảm mạnh.
Thứ hai, sau khi CPH, thoái vốn, ngân sách nhà nước có trong tay một khoản tiền khổng lồ, hiện thời chưa biết đầu tư vào đâu, chắc là phải gửi ngân hàng, hiệu quả kinh tế chắc chắn thấp hơn rất nhiều so với việc tiếp tục đầu tư ở những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả.
Thứ ba, tiền thu về từ CPH, thoái vốn là tiền đầu tư nên không thể sử dụng để chi tiêu thường xuyên, không thể sử dụng để trả nợ và cũng không thể sử dụng đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội mà buộc phải đầu tư trở lại. Đến lúc nào đó có khi lại phải sử dụng chính số tiền này mua lại số vốn đã thoái trước đây với giá cao hơn lúc thu về, như vậy, tài sản nhà nước lại hao hụt thêm một lần nữa. Thứ tư, “trong tay sẵn có đồng tiền” từ thoái vốn, CPH có dễ dẫn đến việc sử dụng kém hiệu quả, chi tiêu không tiết kiệm.
Nhưng nhiều người cho rằng, cần phải thực hiện triệt để quan điểm, Nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không làm nên phải CPH, thoái vốn toàn bộ tại những lĩnh vực tư nhân có thể làm được?
Quan điểm này không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Phân phối nông sản chẳng hạn. Lĩnh vực này đúng là Nhà nước không cần phải đầu tư và kết quả của việc không đầu tư là nông sản được mùa mất giá, người sản xuất bán sản phẩm với giá rẻ mạt còn người tiêu dùng phải mua nông sản với giá cao gấp mấy lần giá do người sản xuất bán ra, lợi nhuận chủ yếu rơi vào khâu trung gian.
Hay sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng vậy. Lĩnh vực này Nhà nước không đầu tư và hệ quả là gần như toàn bộ thức ăn chăn nuôi hiện nay ở nước ta phụ thuộc vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Vì thế tôi cho rằng, bên cạnh đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không làm, Nhà nước còn phải đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân làm kém hiệu quả, khi tư nhân làm hiệu quả thì Nhà nước nhường dần thị phần, dứt khoát không cạnh tranh với tư nhân.
Với lĩnh vực phân phối nông sản hay sản xuất thức ăn chăn nuôi, Nhà nước có thể đầu tư, nhưng thưa ông, với lĩnh vực sản xuất sữa chẳng hạn, vì sao Nhà nước vẫn tiếp tục giữ cổ phần tại Vinamilk?
Đúng là Nhà nước không nên đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân đầu tư hiệu quả, như trường hợp giữ cổ phần tại Vinamilk chẳng hạn, Nhà nước cũng có thể thoái vốn tại công ty này. Nhưng câu hỏi đặt ra là thoái vốn tại Vinamilk, ngân sách thu hàng ngàn tỷ đồng để làm gì, đầu tư vào đâu? Vấn đề là nếu có chiến lược đầu tư, có kênh đầu tư hiệu quả thì nên thoái vốn tại những doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả mà Nhà nước không nhất thiết phải đầu tư, còn trước mắt, chưa có kênh đầu tư hiệu quả thì chưa nhất thiết phải thoái vốn ngay.
Chỉ tính riêng vốn tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, nếu thoái hết, CPH hết trong khi chưa biết đầu tư vào đâu thì mấy năm sau chỉ còn mấy trăm ngàn tỷ đồng thì nguy to. Theo tôi, làm sao sử dụng tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ngày càng sinh sôi nảy nở, tạo thêm công ăn việc làm, đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách mới là mục tiêu quan trọng nhất. Trong bối cảnh hiện nay, phải hết sức bình tĩnh, không quá nôn nóng vì mục tiêu cao nhất của CPH, thoái vốn là làm sao đầu tư đồng vốn nhà nước hiệu quả nhất, nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất, khi có kênh đầu tư hiệu quả, cần thiết thì thoái vốn, còn ngược lại không nên quá cứng nhắc.
Mạnh Bôn

Theo baodautu.vn