Trong quý I/2015, mặc dù khối lượng phát hành trên thị trường sơ cấp giảm đáng kể, nhưng số lượng giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp vẫn tăng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng giống như thị trường sơ cấp, thị trường trái phiếu thứ cấp trong quý vừa qua chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố kinh tế.
Thứ nhất là Thông tư 36/2014/TT-NHNN bổ sung quy định về hạn chế tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để mua trái phiếu chính phủ. Theo đó, áp dụng tỷ lệ 15% đối với các ngân hàng thương mại quốc doanh, 35% đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh và 15% đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, khiến các ngân hàng gia tăng lực bán, tăng nguồn cung trên thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp, trong khi một số đơn vị tăng nhu cầu mua trái phiếu một cách thận trọng để không vi phạm quy định.








Thứ hai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) duy trì ở mức thấp trong quý I, dưới 3% kể từ tháng 11/2014 và ở ngưỡng thấp nhất trong vòng 10 năm.
Thứ ba, tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm đạt 1,91%, so với mức tăng trưởng âm trong 4 năm trước đó.
Thứ tư, USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác trên thế giới, khiến tỷ giá giao dịch của VND so với USD trên thị trường tự do gia tăng đáng kể kể từ đầu tháng 3.
Trong quý I/2015, tổng giá trị giao dịch của trái phiếu chính phủ và trái phiếu được chính phủ bảo lãnh trên thị trường thứ cấp đạt 236.628 tỷ đồng, giảm 26% so với quý trước đó, nhưng tăng tới 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Giao dịch outright đối với trái phiếu và tín phiếu có vai trò dẫn dắt thị trường, khi chiếm 73% tổng khối lượng giao dịch. Tỷ trọng 27% còn lại được đóng góp từ các giao dịch repos.
Nhà đầu tư tiếp tục quan tâm đến các kỳ hạn ngắn. Kỳ hạn dưới 5 năm chiếm phần lớn, với tỷ lệ 77,5% tổng giá trị giao dịch, tương đương 131.407 tỷ đồng. Điều đó không ngạc nhiên, do hạn chế phát hành trái phiếu ngắn hạn trên thị trường sơ cấp đã khiến các nhà đầu tư chuyển nhu cầu đầu tư trái phiếu ngắn hạn sang thị trường thứ cấp.
Giống với thị trường sơ cấp, lợi suất trái phiếu tăng đáng kể trong tháng 12/2014, nhưng giảm dần trong quý đầu năm 2015. Diễn biến giảm này không gây ngạc nhiên vì nó tương tự xu hướng trong các năm trước đó. Nhu cầu đối với trái phiếu thường tăng cao trong quý I, khi tăng trưởng tín dụng chưa khởi sắc. Năm nay, CPI tháng 3 giảm 0,1% so với đầu năm càng tạo áp lực giảm lợi suất.
Tuy nhiên, năm nay có hai điều đáng lưu ý.
Thứ nhất, lợi suất trái phiếu ngắn hạn giảm với tốc độ chậm hơn so với trái phiếu kỳ hạn dài. Cụ thể, kỳ hạn một năm không thay đổi trong quý đầu năm. Kỳ hạn 2 và 3 năm giảm lần lượt 7 và 11 điểm cơ bản, xuống ngưỡng 4,97%/năm và 5,11%/năm. Trái phiếu 5 năm giảm mạnh nhất trong số 7 kỳ hạn, rớt 78 điểm cơ bản trong quý I, từ ngưỡng 6,23% ngày 31/12/2014 xuống 5,11%/năm vào ngày 31/3/2015. Tiếp theo, trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 73 điểm cơ bản, xuống ngưỡng 6,51%/năm. Trong khi đó, trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 15 năm giảm tương ứng 65 và 20 điểm cơ bản.
Thứ hai, tốc độ giảm của lợi suất trái phiếu trong quý I năm nay thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đặc biệt ở trái phiếu kỳ hạn ngắn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và đồng VND giảm giá so với đồng USD khiến nhu cầu đầu tư vào trái phiếu chính phủ giảm, khi các ngân hàng thương mại, những nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu sử dụng nguồn vốn để cho vay và đầu tư vào USD, thay vì mua trái phiếu chính phủ.
Do giá cao kể từ tháng 10/2014, nhà đầu tư nước ngoài tăng vị thế bán ròng trên thị trường trái phiếu thứ cấp trong suốt quý IV năm ngoái và tính chung cả năm 2014, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 5.962 tỷ đồng. Quý I/2015, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì vị bán ròng, nhưng ở mức độ thấp hơn, với giá trị 379 tỷ đồng.
Bảo Ngọc (Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán VPBank)

Theo baodautu.vn