1. SHP: Khuyến nghị mua vào


CTCK BIDV (BSC)







Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu SHP với giá mục tiêu 12 tháng là từ 22.100 đồng/CP (+12% so với giá thị trường ngày 12/05/2015) theo tổng hợp 3 phương pháp FCFF, P/E và P/B. Chúng tôi kỳ vọng doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhanh trong năm 2015 nhờ việc tăng sản lượng điện sản xuất và giá bán điện.
SHP là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thủy điện vừa và nhỏ tại khu vực Nam Bộ. SHP quản lý và vận hành 3 nhà máy thủy điện tại khu vực tỉnh Lâm Đồng với tổng công suất đạt 122,5 MW
Tăng trưởng nhanh trong năm 2014: Năm 2014, SHP đạt 596 tỷ đồng doanh thu và 220 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 3,07 và 2,11 lần so với năm 2013. Việc đi vào hoạt động của nhà máy Đa Mbri từ tháng 1/2014 đối với tổ máy 1 và từ tháng 5/2014 đối với tổ máy 2 cùng với điều kiện thủy văn thuận lợi giúp sản lượng điện sản xuất của doanh nghiệp tăng đến 2,53 lần trong năm 2014.
Kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2015 nhờ những yếu tố sau: (1) Sản lượng điện sản xuất tăng nhẹ do tổ máy 2 nhà máy Đa Mbri được vận hành tròn năm thay vì 8 tháng như năm 2014. (2) Biểu giá chi phí tránh được năm 2015 tăng so với năm 2014. (3) Giá bán điện trên thị trường phát điện cạnh tranh được kỳ vọng tăng lên. Tuy nhiên chúng tôi cũng lưu ý đến việc điều kiện thủy văn có thể không thuận lợi cho các doanh nghiệp thủy điện trong năm 2015.
Dự báo kết quả kinh doanh tăng nhẹ trong năm 2015: BSC dự báo CTCP Thủy điện Miền Nam sẽ đạt 632 tỷ đồng doanh thu và 226 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ lần lượt 6% và 3% so với năm 2014, tương đương EPS 2015 đạt 2.417 đồng/cổ phiếu.
Tỷ lệ chi trả cổ tức cao: năm 2014 doanh nghiệp đã tăng mức chi trả cổ tức từ 8% lên 15% và dự kiến sẽ duy trì tỉ lệ này cho các năm tiếp theo. Đây là mức cổ tức khá tốt so với thị giá hiện tại của cổ phiếu.
2. TNG: Lợi nhuận dự phóng 94 tỷ đồng
CTCK MB (MBS)
TNG công bố kết quả kinh doanh Quý I/2015 với chỉ tiêu doanh thu đạt mức 298,5 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 182% so với cùng kỳ.
Do chi phí nhân công tại Trung Quốc đang tăng mạnh, nên các đơn hàng dệt may của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam và một số quốc gia đang phát triển khác. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của TNG.
Đại diện Công ty cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã có đủ các đơn hàng đến tháng 9/2015 và chỉ còn đàm phán các đơn hàng sản xuất cho quý IV/2015 và quý I/2016. Các dây chuyền sản xuất của Công ty đã hoạt động hết công suất đủ đảm bảo cho các đơn hàng đến hết quý II/2015.
Từ năm 2013, TNG đã chính thức áp dụng và triển khai hệ thống quản trị ERP vào hoạt động của doanh nghiệp. Điều này đã giúp Công ty nâng cao hiệu quả SXKD bằng cách tăng doanh số và giảm chi phí.
TNG chính thức đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy Đại Từ với 10 chuyền may, nâng tổng số chuyền may của Công ty lên 188 chuyền từ 178 chuyền năm 2014. Nhờ đó mà năng suất lao động và sản lượng sản xuất được cải thiện.
Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của TNG đạt mức 94 tỷ đồng, tương đương mức EPS là 3.400 đồng/CP.

Thanh Thúy (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn