1. TNG: Lợi nhuận dự phóng ở mức 94 tỷ đồng
CTCK MB (MBS)
TNG công bố kết quả kinh doanh quý I/2015 với chỉ tiêu doanh thu đạt mức 298,5 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 182% so với cùng kỳ.
Do chi phí nhân công tại Trung Quốc đang tăng mạnh, nên các đơn hàng dệt may của thế giới có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam và một số quốc gia đang phát triển khác. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của TNG.
Đại diện Công ty cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã có đủ các đơn hàng đến tháng 9/2015 và chỉ còn đàm phán các đơn hàng sản xuất cho quý IV/2015 và quý I/2016. Các dây chuyền sản xuất của Công ty đã hoạt động hết công suất đủ đảm bảo cho các đơn hàng đến hết quý II/2015.
Từ năm 2013, TNG đã chính thức áp dụng và triển khai hệ thống quản trị ERP vào hoạt động của doanh nghiệp. Điều này đã giúp Công ty nâng cao hiệu quả SXKD bằng cách tăng doanh số và giảm chi phí.
TNG chính thức đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy Đại Từ với 10 chuyền may, nâng tổng số chuyền may của Công ty lên 188 chuyền từ 178 chuyền năm 2014. Nhờ đó mà năng suất lao động và sản lượng sản xuất được cải thiện.
Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của TNG đạt mức 94 tỷ đồng, tương đương mức EPS là 3.400 đồng/CP.
2. NTP: PE ở mức thấp, khoảng 8,5x
CTCK MayBank KimEng (MBKE)






Nhựa Tiền Phong



Ngày 26/5/2015 là ngày giao dịch không hưởng quyền cổ tức đợt 2 năm 2014 bằng tiền, tỷ lệ 5% và trả cổ phiếu thưởng tỷ lệ 10:1. Thời gian thực hiện là 19/6/2015. Tổng mức cổ tức năm 2014 của NTP là 15% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu. Trong đó, công ty đã tạm ứng 10% tiền mặt trong tháng 2/2015.
Ngoài ra, NTP cũng vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2015. Theo đó, doanh thu thuần đạt 647 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng bán ra tăng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp chỉ tăng 10% so với năm ngoái do biên lợi nhuận gộp giảm 2 điểm phần trăm, xuống mức 32%. Trong bối cảnh giá nhựa nguyên liệu giảm, sự sụt giảm của biên lợi nhuận gộp là do NTP tăng mạnh chiết khấu cho đại lý để cải thiện doanh số. Bên cạnh đó, lỗ từ tài chính là 8,6 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ do dự nợ vay tăng lên nhằm hỗ trợ vốn lưu động nên lợi nhuận sau thuế quý I/2015 chỉ tăng 5% so với cùng kỳ và đạt 70,7 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ của NTP đã thông qua kế hoạch 2015 với doanh thu thuần là 3.210 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế là 385 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với 2014. Như vậy kết thúc quý I, NTP đã hoàn thành được 20% kế hoạch doanh thu và 21% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Hiện Tiền Phong đang duy trì chính sách chiết khấu cao hơn đối thủ để đạt mục tiêu tăng trưởng thị phần và chính điều này đã tác động tới lợi nhuận của công ty. Mặc dù không đột biến trong quý I cũng như trong kế hoạch cả năm 2015 nhưng chúng tôi vẫn đánh giá cao NTP nhờ vị thế dẫn đầu cả nước về sản lượng (năng lực sản xuất hàng năm khoảng 90.000 tấn) và thị phần (70% miền Bắc và 30% cả nước). Với kế hoạch như trên, EPS 2015 dự phóng đạt 5.712 đồng/CP tương đương PE 2015 ở mức 8,5x, thấp hơn mức 10x trung bình ngành.
3. HVG: PE đang giao dịch ở mức 8,7 lần
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)
Công ty Cổ phần Hùng Vương (HSX-HVG) vừa ra thông tin về kết quả kinh doanh quý I/2015 với chỉ tiêu doanh thu thuần hợp nhất giảm 16,5% đạt 3.120 tỷ đồng trong và hoàn thành 16% kế hoạch năm. Trong cơ cấu doanh thu thuần, chỉ có doanh thu nội địa thuần từ thức ăn chăn nuôi tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.076 tỷ đồng.
Theo giải trình của HVG, doanh thu các mảng khác đều ghi nhận giảm do trong thời điểm đầu năm, thời gian nghỉ lễ dài khiến doanh thu bán hàng giảm. Lợi nhuận gộp giảm mạnh 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 208 tỷ đồng do giá vốn hàng bán chiếm 93% tỷ trọng doanh thu thuần.
Doanh thu tài chính giảm mạnh gần 50% chỉ đạt 5,35 tỷ đồng trong quý I/2015 do lãi tiền gửi ký quỹ giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí tài chính tài chính tăng 10% so với quý I/2014. Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 38% và 9% so với cùng kỳ, đồng thời công ty cũng ghi nhận khoản lãi 22 tỷ đồng từ hoạt động liên doanh liên kết so với cùng kỳ năm ngoái ghi nhận lỗ gần 8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của HVG vẫn giảm mạnh 63%, đạt 59 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 7% kế hoạch năm.
Do đó, lợi nhuận ròng của HVG đạt 50,1 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cổ phiếu HVG hôm qua (18/5) đóng cửa tại mức 16.400 đồng/cổ phiếu (-4,1%), đang giao dịch tại mức P/E là 8,7 lần và P/B là 1,2 lần.
HVG: PE giao dịch ở mức 8,6x
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
HVG vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2015. Theo đó, doanh thu thuần đạt 3.152 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba mảng kinh doanh chính đóng góp 61% vào tổng doanh thu, giảm nhiều so với mức 76% của cùng kỳ. Cụ thể, xuất khẩu cá tra -32% so với cùng kỳ, bán cá nội địa -33% so với cùng kỳ và kinh doanh bánh dầu đậu nành -34% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thức ăn cho cá (hợp nhất của Việt Thắng) và bán phụ phẩm chiếm 39% tổng doanh thu, tăng trưởng lần lượt 39% và 6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá giảm mạnh do thị trường Mỹ bị thu hẹp vì thuế chống bán phá giá (CBPG) POR10 cao và sự mất giá của các đồng tiền như EUR, JPY so với USD đã khiến nhu cầu nhập khẩu của các nước trên giảm. Biên lợi nhuận gộp quý I/2015 giảm 3ppt xuống mức 7% do biên lợi nhuận gộp của 3 hoạt động trên giảm lần lượt 1ppt, 5ppt và 3ppt.
Theo đó, lợi nhuận gộp giảm mạnh hơn doanh thu, -45% so với cùng kỳ. Lỗ ròng tài chính là 56 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ do lãi tiền gửi giảm, lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ.
ĐHCĐ của HVG đã thông qua kế hoạch 2015 với doanh thu thuần là 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 800 tỷ đồng, tăng lần lượt 33% và 60% so với 2014. Như vậy kết thúc quý I, HVG chỉ mới hoàn thành 16% và 7% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế.
Chúng tôi kỳ vọng doanh thu xuất khẩu của công ty sẽ cải thiện trong quý II nhờ Brazil (chiếm 10% trong tổng sản lượng xuất khẩu của HVG) dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với cá tra Việt Nam, trong đó có HVG. Đồng thời, BCTC của FMC sẽ hợp nhất vào HVG trong quý II và là cơ sở để doanh thu quý II/2015 cải thiện hơn so với quý trước.
Chúng tôi cho rằng công ty có khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu nhưng việc hoàn thành lợi nhuận khá thử thách. Biên lợi nhuận gộp của HVG có khả năng bị ảnh hưởng do thị trường Mỹ - nơi mà giá bán cá tra luôn cao nhất - bị sụt giảm mạnh. Doanh thu tài chính ước giảm 71% so với cùng kỳ do không còn khoảng thu từ lợi thế thương mại và thanh lý công ty con. Chi phí lãi vay dự báo sẽ tăng do HVG phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi có thời hạn 3 năm cho B DV (700 tỷ đồng) và V B (300 tỷ đồng) trong quý IV/2014 mục đích cơ cấu lại nguồn vốn chuyển nợ ngắn hạn sang dài hạn.
Dự kiến công ty sẽ phát hành thêm 500 tỷ đồng trái phiếu cho N và ký hợp đồng vay có thời hạn 5 năm trị giá 20 triệu USD với Chi nhánh Ngân hàng Tái thiết Đức (DEG). Theo đó, lỗ ròng tài chính ước khoảng 250 tỷ đồng, tăng 4,3x so với năm ngoái. Ước tính lợi nhuận lợi nhuận sau thuế 2015 khoảng 324 tỷ đồng, EPS 2015 đạt 1.861 đồng/CP, PE 2015 giao dịch ở mức 8,6x, tương đương trung bình ngành.
Thanh Thúy (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn