Khi áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên sáng, nhiều người đã nghĩ sẽ có làn sóng ra hàng mạnh trong phiên chiều, kéo thị trường điều chỉnh mạnh. Tuy nhiên, một khi tâm lý của nhà đầu tư đã được cởi bỏ, thì hành động thoát hàng của người này, chính là cơ hội gom hàng cho người khác.
Ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, nhận thấy bên mua không hề nao núng, bên bán đã bắt đầu chùn tay, nhất là khi nhìn thấy thị trường có được chỗ dựa vững chắc từ dòng cổ phiếu ngân hàng.
Ngoại trừ NVB gần như tắc thanh khoản, toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng niêm yết đều đồng loạt tăng giá, thậm chí tăng khá mạnh, đem lại lòng tin cho nhà đầu tư. Đây vốn là những cổ phiếu vua và khi các mã này giữ vai trò chủ lực, thì thị trường luôn có chuỗi tăng vững chắc.
Do đó, khi dòng bank trở lại, những bên cầu đã thấy tự tin hơn, nên càng mạnh dạn xuống tiền, trong khi bên bán cảm thấy chùn tay, giúp thị trường tăng mạnh ngay khi bước vào phiên chiều, nhưng thanh khoản thời điểm đầu không tốt như phiên sáng.
Về cuối phiên, khi VN-Index chạm ngưỡng kháng cự 570 điểm, áp lực chốt lời tăng mạnh, nhất là trong đợt khớp lệnh ATC, lệnh bán ATC chất sẵn khiến thị trường bị chút rung lắc và hãm bớt đà tăng. Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ để làm tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư bị lung lay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/5, VN-Index tăng 4,2 điểm (+0,75%), lên 567,2 điểm. Độ rộng của thị trường trong phiên hôm nay khá hẹp khi số mã tăng là 114 mã, trong khi cũng có 110 mã giảm. Thanh khoản hôm nay tăng mạnh so với phiên trước với 143,16 triệu đơn vị, giá trị 2.124,48 tỷ đồng được chuyển nhượng. Đây là phiên đầu tiên kể từ ngày 17/4, tổng giá trị giao dịch trên HOSE đạt trên 2.000 tỷ đồng. Trong số này, giao dịch thỏa thuận đóng góp 10 triệu đơn vị, giá trị 203,6 tỷ đồng.






Diễn biến VN-Index phiên 26/5



Trong khi đó, ngoài sự hỗ trợ tích cực từ 2 cổ phiếu ngân hàng là ACB và SHB, HNX-Index còn được sự hỗ trợ của hàng loạt mã khác, nên có mức tăng tốt hơn VN-Index khi tăng 1,45 điểm (+1,81%), lên 81,7 điểm. Độ rộng trên HNX rộng hơn trên HOSE với 117 mã tăng và 94 mã giảm. Thanh khoản cũng được cải thiện đáng kể so với phiên trước với 68,13 triệu đơn vị, giá trị 693 tỷ đồng.






Diễn biến HNX-Index phiên 26/5



Cũng giống như phiên sáng, nhóm cổ phiếu dầu khí, chứng khoán, cùng một vài bluechip khác vẫn là lực cản chính của VN-Index, trong khi nhóm ngân hàng khởi sắc và thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường. Các mã lớn như VCB, CTG, BID đều tăng hơn 2%, các mã còn lại đều có mức tăng khá.
Trong nhóm cổ phiếu thị trường, FLC không thể đảo chiều thành công khi đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 10.000 đồng với hơn 20 triệu đơn vị được khớp. Chung cảnh ngộ còn có VHG, HAI, trong khi các mã khác như HAI, GTN, DLG… đều đóng cửa với sắc xanh, dù có mã đóng cửa ở mức thấp nhất ngày như CTN. Thanh khoản các mã này khá tốt, lần lượt đạt gần 4 triệu đơn vị, 4,43 triệu đơn vị và gần 7,9 triệu đơn vị.
OGC vẫn duy trì được mức giá trần 2.500 đồng với hơn 4,7 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua giá trần gần 1,4 triệu đơn vị. Trong khi HQC sau những phút rung lắc trong phiên sáng, đã lấy lại sắc tím trong phiên chiều và đóng cửa ở mức giá trần 5.800 đồng với gần 5,8 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi nhóm chứng khoán điều chỉnh sau chuỗi phiên tăng liên tiếp, thì nhóm cổ phiếu khoáng sản vẫn duy trì được sức nóng của mình.
Trên HNX, tâm điểm trong phiên chiều không phải mã có thanh khoản tốt nhất là KLF, hay điểm nóng của phiên sáng là PVX, mà là BAM. Trong phiên chiều, toàn bộ lượng dư bán giá trần khá lớn của BAM trong phiên sáng đều bị hấp thụ bởi lực cung bất ngờ tăng mạnh. Tuy nhiên, với việc muốn giữ cho BAM có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp, lực mua lớn đã nhanh chóng được tung vào, hấp thụ lại toàn bộ lượng dư bán còn lại, giúp mã này đóng cửa với sắc tím. Tổng khối lượng giao dịch trong phiên hôm nay của BAM đạt 2,2 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ ngày 23/1.
ASA cũng tương tự, lượng dư bán trần trong phiên sáng cũng bị hấp thụ hết, khiến mã này đánh rơi mức giá trần. Tuy nhiên, về cuối phiên, lực cầu tốt được tung vào, giúp ASA đóng cửa ở mức giá trần, nhưng thanh khoản khiêm tốn hơn nhiều so với BAM.
Đúng như nhận định của chúng tôi trong phiên sáng, cuộc chiến bán, mua tại ITQ diễn ra khá quyết liệt trong phiên chiều. Dù cuối cùng, mã này cũng giữ được sắc xanh, nhưng lực bán giá ATC trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa khiến nhiều nhà đầu tư mua ITQ với giá 10.800 đồng trong phiên sáng nay thoáng chút giật mình. Kết thúc phiên, ITQ đứng ở mức 10.300 đồng, tăng 1,98%, lên 10.300 đồng với 1,35 triệu đơn vị được khớp.
VIX cũng chịu áp lực bán lớn trong phiên chiều và quay đầu giảm mạnh hơn 6%, xuống mức thấp nhất ngày 10.900 đồng, cách mức cao nhất ngày 15,6%. Trong khi đó, S99 vẫn thể hiện được phong độ khi đóng cửa ở mức trần 11.300 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần và ATC tới hơn 4,5 triệu đơn vị. SHN cũng còn dư mua giá trần hơn 121.000 đơn vị và chỉ được khớp hơn 0,8 triệu đơn vị do lực cung bị tiết khá mạnh hôm nay.
Như đã nói ở trên, KLF là mã có thanh tốt nhất với 7,9 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa như mức giá buổi sáng 7.400 đồng. PVX dù cũng đóng cửa mức giá như phiên sáng 4.100 đồng, với tổng khớp 5,32 triệu đơn vị, nhưng lực bán mạnh hơn trong phiên chiều, nên còn dư bán giá 4.100 đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay tiếp tục xu thế mua ròng cả trên 2 sàn, thậm chí mua ròng mạnh. Trên HOSE, khối ngoại mua ròng 5,14 triệu đơn vị, giá trị mua ròng là 174,18 tỷ đồng. Trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1 triệu đơn vị, giá trị mua ròng hơn 20,6 tỷ đồng.
Trần Lê (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn