Tại Đại hội, cổ đông cho rằng, Sabeco là công ty quy mô lớn, thương hiệu lớn nhưng kế hoạch đặt ra năm 2015 là chưa xứng tầm. Cổ đông đề xuất công ty hợp tác với một thương hiệu quốc tế khác cùng ngành để gia tăng lợi thế cạnh trạnh của công ty. Đồng thời, để thương hiệu lan tỏa rộng hơn công ty nên có kế hoạch niêm yết và nhanh chóng xây dựng tòa nhà Sabeco Tower tại số 6 Hai Bà Trưng, TP.Hồ Chí Minh, vì đây cũng là cách để thể hiện thương hiệu, bộ mặt của Sabeco.
Ông Phan Đăng Tuất, CHủ tịch Sabeco giải trình, tỷ lệ cổ phần hóa của Sabeco hiện chỉ khoảng hơn 10%, chưa đủ điều kiện niêm yết. Về kế hoạch kinh doanh, đúng là chưa xứng tầm nhưng khi một doanh nghiệp lớn với sản phẩm thông thường như bia thì sẽ không thể tạo doanh thu đột biến, tuy nhiên, Sabeco cam kết với cổ đông sẽ phấn đấu chia cổ tức 30% trong năm 2015 và sẽ tăng cao hơn trong các năm sau nếu kinh doanh thuận lợi.






Cổ đông cho rằng, kế hoạch năm 2015 của Sabeco chưa tương xứng với tiềm năng của Tổng Công ty




Đối với định hướng phát triển 9 mảnh đất của công ty, ông Tuất chia sẻ, đây có lẽ chính là “tội đồ” khiến giá cổ phần của Sabeco cao trong đợt IPO, trên thực tế, tại thời điểm đó, Sabeco chưa thực sự sở hữu do chưa đóng tiền thuế sử dụng đất, mà chỉ là được quyền ưu tiên thuê số 1. Đây cũng là một phần lý do mà dự án tòa nhà Sabeco Tower vẫn chưa triển khai được bởi chi phí sử dụng đất quá cao, hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu dự án được hoàn thành, diện tích sử dụng tối đa của Sabeco trong tòa nhà chỉ khoảng 3%, còn lại 97% sẽ phải cho thuê nhưng theo quy định trong nghị định 97 thì công ty không được phép kinh doanh ngoài ngành. Hiện Sabeco đang trình xin Bộ Công Thương lập công ty liên doanh để khai thác các lô đất này.
ĐHCĐ Sabeco đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 với sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia các loại là 1.425 triệu lít, trong đó bia Sài gòn 1.388 triệu lít. Theo đó, doanh thu ước đạt 31.721 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.291 tỷ đồng, tăng nhẹ lần lượt 3% và 8%. Cổ tức dự kiến 30%.
Các chỉ tiêu này tăng nhẹ so với kế hoạch cũ, cụ thể trong tờ trình cũ, Sabeco dự kiến cổ tức năm 2014 là 23% (bằng 100% kế hoạch), kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 3% và cổ tức dự kiến năm 2015 là 25%. Tuy nhiên, cổ đông lớn Nhà nước đã đề xuất tăng các chỉ tiêu trên, và đây cũng là lý do khiến Sabeco phải dời ĐHCĐ từ ngày 25/5/2015 sang ngày 28/5/2015 để điều chỉnh và giải trình kế hoạch.
Năm 2015, theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Sabeco, Sabeco đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nội địa và hiện có thêm một đối thủ mới đáng gờm là AB Inbev khiến cuộc cạnh tranh gay gắt hơn. Công ty cũng đang đứng trước áp lực gia tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2016, nếu áp dụng sẽ làm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt của công ty thêm 1.500 tỷ đồng. Ngoài ra, dự thảo đề án dán tem các sản phẩm nếu được triển khai thì công ty phải bỏ thêm 850 tỷ đồng để thực hiện việc dán tem (chưa tính đến đầu tư các thiết bị đi kèm). Các chính sách về tác động đồ uống có cồn, tỷ giá biến động trong năm 2015 cũng làm gia tăng chi phí của công ty. Bên cạnh đó, khi Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết cũng sẽ làm chênh lệch chi phí giữa doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nội địa khi thuế quan dự kiến sẽ giảm sâu.
Ông Phan Đăng Tuất, CHủ tịch Sabeco chia sẻ thêm, về vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến tăng 5%, áp dụng từ năm 2016, thì ngoài tổng công ty bị đánh thuế thì các công ty thành viên thương mại cũng bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, vô hình chung làm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 3,3%, làm giảm lợi nhuận công ty thêm 800-900 tỷ đồng. Tuy nhiên, luật cũng đã quy định rõ thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào sản xuất, không phải đánh vào khâu thương mại. Trong khi đó, biên độ lợi nhuận của Sabeco thấp hơn so với các thương hiệu bia khác, cùng chất lượng nên các chi phí thuế tăng nhanh sẽ ăn mòn lợi nhuận công ty. Bên cạnh đó, quy định dán tem cũng làm công ty giảm lợi nhuận khoảng 800 tỷ đồng. Hiện Sabeco đang nỗ lực bằng lập luận, giải trình để kiến nghị lại với cơ quan quản lý.
Ông Tuất cho rằng, bia Sài Gòn đang ở thời khắc mang tính bước ngoặt mà cần có sự hỗ trợ, tiếp sức từ các bên để có thể tồn tại và phát triển. Cách đây 1 tuần, AB Inbev khánh thành nhà máy 5 triệu lít ở Bình Dương. Ở Miền Trung, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Đan Mạnh tự đi làm thị trường, đi từng nhà phân phối cho thương hiệu bia Huda. Lãnh đạo cao cấp các hãng bia tới VIệt Nam không chỉ tiếp cận thị trường mà tiếp cận cả cơ quan chính sách. Qua đó cho thấy sự quyết liệt của đối thủ và tiềm năng của thị trường Việt Nam. Ở Sabeco, HĐQT cũng cố gắng làm nhưng không làm được sát sao như vậy, “hình như vẫn có cái gì đó gò bó, chưa được thoải mái thực hiện, các công tác hỗ trợ khách hàng phải qua trình tự rất dài dòng mới đến được với khách hàng”, ông Tuất nói.
Trong năm 2015, để đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ đến năm 2020, Sabeco tiếp tục làm việc với Thành phố về việc quy hoạch nhà máy bia Sài Gòn Nguyễn Chí Thanh với công suất tối thiểu 50 triệu lít/năm. Nâng công suất dự án đầu tư nhà máy Củ Chi; đưa nhà máy Bia Sài Gòn – Kiên Giang vào vận hành từ tháng 5/2015. Khởi công xây dựng nhà máy tại Khánh Hòa trong năm nay.
Năm 2015, công ty sẽ tập trung đầu tư các nhãn hàng theo định vị, gia tăng tỷ trọng sản phẩm phân khúc cao cấp. Tăng cường xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đặc biệt các nước trong khu vực Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Hàn Quốc… Chú trọng phát triển thị trường nông thôn...Ông Tuất cho biết, công ty không bỏ phân khúc trung cấp mà vẫn lấy phân khúc này làm trung tâm và phát triển thêm ở các phân khúc khác. Hiện Sabeco đã nghiên cứu thành công và thử nghiệm sản phẩm bia mới có thêm hương vị chanh, cà phê…Dự kiến, sản phẩm mới sẽ sớm được tung ra thị trường.
Phan Hằng

Theo baodautu.vn