Đó là quyết định do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa ra. Theo đó, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng số lượng cổ phiếu hủy niêm yết của Công ty là 2.936.140 cổ phiếu, tương đương 29,361 tỷ đồng.
Việc hủy niêm yết của cổ phiếu TSM thật ra không phải là câu chuyện bất ngờ, bởi trong 3 năm liên tiếp vừa qua (2012 - 2014), kết quả sản xuất - kinh doanh của Công ty Xi măng Tiên Sơn Hà Tây luôn thua lỗ. Do đó, cổ phiếu TSM thuộc diện hủy niêm yết theo quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 60, Nghị định 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ.






Xi măng Tiên Sơn Hà Tây liên tục bị thua lỗ trong 3 năm qua




Câu chuyện này một lần nữa cho thấy, những doanh nghiệp (doanh nghiệp) xi măng công suất nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu… sẽ rất khó trụ nổi trên thị trường, nhất là trong bối cảnh ngành xi măng đang dư thừa công suất.
Trong 3 năm qua, kinh doanh của TSM kém hiệu quả, không hoàn thành kế hoạch đề ra. Năm 2014, trong khi hầu hết các doanh nghiệp xi măng được cải thiện đáng kể về doanh thu, lợi nhuận do nhu cầu tiêu dùng xi măng đã tăng trở lại, thì TSM vẫn rất ì ạch, với tổng doanh thu chỉ đạt 37,7 tỷ đồng và lỗ 7,6 tỷ đồng...
Sự đi xuống trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của TSM bắt nguồn từ chính nội tại của doanh nghiệp này. Trong bối cảnh ngành xi măng vẫn được bổ sung nguồn cung từ những nhà máy mới đầu tư với công nghệ tiên tiến, thì TSM vẫn đang sản xuất xi măng theo công nghệ lò đứng, nên rất khó cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường.
Hệ quả là chi phí sản xuất của Công ty cao hơn so với các đơn vị sản xuất khác sử dụng công nghệ lò quay (công nghệ lò đứng tiêu hao nhiệt năng nhiều hơn).
Do giá thành sản xuất cao, nên giá bán sản phẩm luôn cao và không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp xi măng trong ngành, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng tiêu thụ và doanh thu của Công ty.
Bên cạnh đó, công tác quản lý chi phí định mức kinh tế - kỹ thuật, điện năng, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị của Xi măng Tiên Sơn Hà Tây cũng chưa hiệu quả. Chưa kể, do sản phẩm kém chất lượng vì công nghệ lò đứng, nên Công ty bị mất nhiều khách hàng lớn và mất thêm nhiều chi phí để xử lý các sản phẩm hư hỏng tại các công trình.
Những năm qua, mặc dù Công ty đã phát triển sản xuất cả các loại vật liệu như gạch block, gạch xây…, nhưng do xi măng là sản phẩm chủ lực, chi phí sản xuất lại quá cao, tồn kho lớn, công ty phải vay thêm vốn lưu động, nên Công ty rất khó khăn về tài chính.
Với tình trạng sức khỏe yếu như vậy, không có “cửa” để cạnh tranh với các thương hiệu xi măng lớn trên thị trường, năm 2015, TSM chỉ dám thông qua kế hoạch rất khiêm tốn với doanh thu đạt 48 tỷ đồng, tăng 27,3% so với thực hiện năm 2014 và lợi nhuận 0 đồng.
Tuy vậy, theo nhận định của một số doanh nghiệp trong ngành xi măng, không chỉ riêng TSM, mà nhiều doanh nghiệp xi măng địa phương nhỏ, sản xuất bằng công nghệ lò đứng… sẽ khó có tương lai bởi sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp tên tuổi lớn như Vicem, Cẩm Phả, Thăng Long hay khối doanh nghiệp liên doanh và xi măng tư nhân như Vissai, Công Thanh, Xuân Thành…
Điều này cũng được ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Ưu thế cạnh tranh trong ngành xi măng là những doanh nghiệp có quy mô công suất lớn, có thị trường tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu mạnh, sản phẩm chất lượng ổn định và giá thành sản xuất hợp lý. Các doanh nghiệp xi măng địa phương, nếu không cải tiến kỹ thuật, thay đổi công nghệ…, sẽ khó trụ lại được trên thị trường”.
Thế Hải

Theo baodautu.vn