Nhìn vào diễn biến của thị trường chứng khoán năm nay, VN-Index cũng có một giai đoạn đi xuống từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5/2015 và chỉ số của sàn TP.HCM cũng về mốc quanh 530 điểm, trước khi có những tín hiệu tăng điểm mạnh trở lại trong những phiên cuối tháng 5. Như vậy, nếu như kịch bản của thị trường lặp lại giống năm ngoái, thì hiện có thể là thời kỳ đầu của một chu kỳ đi lên ngoạn mục của thị trường.








Sự đi lên của thị trường vào khoảng tháng 6 có thể có nhiều cách lý giải khác nhau. Ngoài tâm lý sau tháng 5 đen đủi mà các nhà đầu tư thường gọi là “tháng bán và đi chơi”, thì từ tháng 6 trở đi, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết trong năm đã bắt đầu định hình. Theo đó, nhà đầu tư đã có khá đầy đủ thông tin về bức tranh kinh doanh để có thể mạnh tay móc hầu bao. Trong khi đó, tín hiệu kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2015 đang phát tín hiệu lạc quan khá rõ ràng.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2015 tiếp tục biến chuyển tốt tiếp theo đà của năm 2014 và tốt hơn so với quý I/2014. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết tại HNX trong quý I/2015 là 2.998,4 tỷ đồng, tăng 31,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 302 doanh nghiệp niêm yết có kết quả hoạt động kinh doanh lãi quý I/2015 với tổng giá trị lãi đạt 3.161,8 tỷ đồng, tăng 20,67% so với cùng kỳ năm trước; 53 doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh lỗ, tổng giá trị lỗ là 163,4 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất với 100 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, giá trị lãi đạt 1.046,9 tỷ đồng, chiếm 34,9% tổng giá trị lãi. Tiếp đến là ngành tài chính với 25 doanh nghiệp kinh doanh lãi (889,3 tỷ đồng, chiếm 29,6% tổng giá trị lãi), ngành khai khoáng - dầu khí với 22 doanh nghiệp lãi (476,6 tỷ đồng, chiếm 15,9% tổng giá trị lãi).
Trong số các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, ngành công nghiệp cũng là ngành chiếm tỷ trọng lỗ lớn nhất, với 12 doanh nghiệp, giá trị lỗ 40,7 tỷ đồng. Tiếp đến là ngành tài chính và ngành xây dựng, lỗ tương ứng 39,1 tỷ đồng và 38,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhà đầu tư vẫn đang dõi theo các động thái liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán (room). Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP được ban hành với những nội dung nới room sẽ tạo ra cho thị trường những tác động tích cực, ít nhất về mặt tâm lý.
Theo bà Phạm Mỹ Hằng Phương, chuyên viên Phòng Phân tích (Công ty Chứng khoán Đại Nam), việc nới room sẽ có tác dụng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, tăng thanh khoản và quy mô thị trường. Tuy nhiên, bà Phương cảnh báo, nới room không phải là liều thuốc thần và thị trường vẫn cần giải pháp cải thiện về chất, thay vì chỉ áp dụng giải pháp kỹ thuật.
Chí Tín

Theo baodautu.vn