10 tháng qua, giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG, sàn HOSE) liên tục đi xuống, từ vùng giá 40.000 đồng/cổ phần (giá đã được qui đổi theo vốn điều lệ mới) đã giảm khoảng 40% theo giá thấp nhất 25.300 đồng/cổ phần của ngày 5/6/2015.
VAFI cho rằng, HPG giảm nhanh chỉ do suy tính "không quá ngon lành" về tương lai HPG đối với 1 số cổ đông chứ không phải HPG đang phải đương đầu với nợ xấu, nợ cao hay khó khăn tiêu thụ hàng hóa như nhiều doanh nghiệp trong ngành thép.








Cụ thể, khởi đầu của tiến trình giảm giá là cổ đông nhận được thông tin Hội đồng quản trị quyết định đầu tư lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc và chăn nuôi. Trong con mắt của 1 số nhà đầu tư, có vẻ lĩnh vực nông nghiệp này đã bão hòa và đang phải gặp áp lực cạnh tranh cao và họ cảm nhận rằng Hòa Phát kinh doanh ngành không cốt lõi sẽ gặp nhiều khó khăn và rủi ro trong tương lai .
Ngoài ra, một số cổ đông nghĩ rằng Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương rồi tiến trình cắt giảm thuế quan theo cam kết hội nhập sẽ làm cho ngành thép trong nước càng gặp khó khăn.
Trở lại về động thái mua 10 triệu cổ phần của Chủ tịch Hòa Phát, theo đánh giá của VAFI, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty này có vẻ không đồng ý với những nhận định như trên và quyết định mua 10 triệu cổ phiếu với số tiền lớn để chứng minh rằng những e ngại như trên là không đúng.
Hiện tại, giá thành sản xuất thép của Hòa Phát ở mức thấp và có sức cạnh tranh cao.
Trong đó, nhân tố quyết định là Hòa Phát có đội ngũ quản trị xuất sắc, thuộc hàng giỏi nhất trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Hòa Phát không thua kém so với các tập đoàn nước ngoài.
Mặc dù mới chỉ ra đời hơn 20 năm nhưng nay Hòa Phát đã nằm trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế lớn nhất trong hơn 700 doanh nghiệp niêm yết.
Giá thành sản xuất thép rẻ của Hòa Phát là do cách thức lựa chọn công nghệ sản xuất và nhà thầu, suất đầu tư của Hòa Phát chỉ bằng 50% so với trong ngành:
Các dây chuyền sản xuất thép của Hòa Phát được xây dựng bởi nhà thầu Trung Quốc có uy tín, suất đầu tư thường chỉ bằng ½ so với nhà thầu Châu Âu . Để đảm bảo chất lượng thép tốt và rẻ thì nhà thầu Trung Quốc chỉ chọn mua phần máy móc thiết bị quan trọng từ các nước G7, phần còn lại họ sản xuất trong nước.
Ngoài ra, Hòa Phát có cảng sông lớn nơi mà khu liên hợp thép Hải Dương xây dựng tại đó, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm với khối lượng lớn đi bằng đường sông, đường biển trong cả nước với giá thành rất thấp so với đi bằng đường bộ. Thời gian gần đây, Chính phủ kiểm tra gắt gao về tải trọng đường bộ thì Hòa Phát lại càng có ưu thế cạnh tranh lớn .
Liên quan đến việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc, VAFI cho rằng, vốn đầu tư để có sản phẩm thức ăn gia súc hay sản phẩm chăn nuôi là không lớn như ngành thép và cách làm của Hòa Phát chắc sẽ rất thận trọng, tiến dần từng bước nếu có kết quả, như cách họ làm dần từng dây chuyền sản xuất thép.
Ban đầu Hòa Phát chỉ bỏ ra 300 tỷ đầu tư cho tài sản dài hạn, đây được coi như dự án thí điểm, trong quá trình triển khai mà không thành công thì dừng lại hay nói cách khác nếu thua lỗ thì mức độ không nhiều, chỉ là 300 tỷ, chỉ bằng 10% so với lợi nhuận hàng năm nhưng nếu thành công thì sẽ được rất nhiều hơn mất.
Chí Tín

Theo baodautu.vn