F.I.T dự kiến sẽ chuyển sang sàn HOSE trong tháng 8 tới.



Thêm nhiều doanh nghiệp chuyển niêm yết sang HOSE
Từ đầu năm đến nay, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã tiếp nhận một loạt mã chứng khoán mới như: NCT của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài, CDO của CTCP Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị, CSV của CTCP Hóa chất cơ bản miền Nam, DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau, HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, TCT của CTCP Cáp treo núi Bà Tây Ninh, NT2 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, hay gần đây nhất là cổ phiếu AMD của CTCP Tập đoàn AMD, niêm yết lần đầu ngày 16/6/2015…
Đa phần trong số này là các mã lần đầu tham gia giao dịch trên thị trường tâp trung, có 2 mã AMD và NT2 là từng đăng ký giao dịch trên UPCoM, còn TCT là cổ phiếu chuyển niêm yết từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) sang.
Thế nhưng, việc chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE không phải là câu chuyện của riêng TCT. Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, một số doanh nghiệp niêm yết đã lên kế hoạch chuyển niêm yết từ Sở GDCK Hà Nội (HNX) sang Sở GDCK TP.HCM (HOSE) như: CTCP Đầu tư F.I.T (FIT), CTCP Chứng khoán IB (VIX), CTCP Sơn Hà Sài Gòn (SHA),… Trong thông điệp gần đây nhất từ Ban lãnh đạo F.I.T, việc chuyển sang niêm yết trên HOSE có thể được thực hiện trong tháng 8 tới.
Không phải là hiện tượng mới, cũng không phải trào lưu diễn ra ồ ạt, nhưng có một thực tế là, khá nhiều doanh nghiệp bước vào giai đoạn thành danh sau khi niêm yết trên HNX đã chuyển qua HOSE như: SSI, FLC hay tới đây là FIT… Và dường như, xu hướng này còn tiếp tục diễn ra.
Chuyển sàn, có chuyển vận?
Ngày chào sàn HOSE (6/8/2013), cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC có giá tham chiếu 5.500 đồng/CP, bằng với mức đóng cửa tại phiên giao dịch cuối cùng trên HNX, với mức vốn điều lệ 771,8 tỷ đồng. Mức giá 5.500 đồng/cổ phiếu tại thời điểm đó tương đương với con số 4.000 đồng/cổ phiếu của ngày hôm nay. Mức giá hiện tại của FLC là trên 9.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng hơn gấp đôi so với thời điểm gần 2 năm về trước. Còn Tập đoàn FLC, từ chỗ được biết đến chủ yếu với Dự án FLC Landmark Tower, nay đã sở hữu trong tay hàng loạt dự án bất động sản lớn trên khắp cả nước, với quy mô vốn điều lệ gần 5.300 tỷ đồng.
Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng ghi nhận được thành công như FLC sau chuyển niêm yết. Đa số doanh nghiệp sau chuyển sàn vẫn phát triển từ từ, chậm rãi như mặt bằng chung của thị trường.
Nguyên nhân của tình trạng này, có thể đến từ mục tiêu của việc chuyển sàn. Với một số doanh nghiệp, mục tiêu chuyển sàn đơn giản là để thuận tiện trong giao tiếp với Sở do vấn đề địa bàn hoạt động của doanh nghiệp gần HOSE hơn, hoặc nhiều trường hợp, đó là vấn đề tìm kiếm đối tác nước ngoài, với mục tiêu hỗ trợ tăng uy tín để thuận lợi trong kinh doanh.
Tuy nhiên, có một điểm chung mà cổ đông các doanh nghiệp này đều phải công nhận, đó là thanh khoản được cải thiện rõ rệt. Cuối năm 2009, một lãnh đạo của Savico từng chia sẻ rằng, sau khi chuyển sàn, dù hoạt động của Công ty không có nhiều thay đổi, nhưng thanh khoản cổ phiếu đã cải thiện đáng kể, mục tiêu niêm yết cũng vì thế mà hoàn thành được một phần.
Với thực trạng nhà đầu tư ngoại vẫn tập trung giao dịch chủ yếu trên HOSE, cộng thêm việc số doanh nghiệp lớn hiện đang niêm yết có địa bàn hoạt động ở phía Nam, câu chuyện chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE sẽ còn tiếp diễn. Nhưng, chuyển sàn chỉ đơn giản là tạo một cú huých cho sự thay đổi, chứ không thể là tạo ra những thay đổi lớn cho doanh nghiệp. Vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp cần có lẽ vẫn đến từ yếu tố nội tại của chính doanh nghiệp.
Uyên Phạm (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn