Sau chuỗi tăng 5 tuần liên tiếp với mức tăng hơn 10,5%, vượt qua mốc 594 điểm trong phiên đầu tuần này và được kỳ vọng sẽ chinh phục mốc 600 điểm. Tuy nhiên, con đường chinh phục ngưỡng cản tâm lý này không hề dễ dàng.
Sau phiên tăng mạnh đầu tuần nhờ sự hỗ trợ của các mã lớn, thị trường đã trở lại đúng với thực lực của mình trong phiên hôm nay là lình xình với thanh khoản thấp.
Dòng tiền sau chuỗi ngày chảy mạnh kể từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6 đã có dấu hiệu chững lại, dù đà tăng của VN-Index liên tục được duy trì. Những con sóng ngành, hay nhóm cổ phiếu không duy trì được lâu do chịu áp lực chốt lời ngắn hạn. Nhiều công ty chứng khoán cho rằng, thị trường có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm, trong khi một số nhà đầu tư lại cho rằng, thị trường đang trong giai đoạn tích lũy để chinh phục các ngưỡng cản mới.
Trong phiên giao dịch hôm nay, khi không còn được sự hỗ trợ của các mã lớn như VNM, MSN, VCB, GAS, VN-Index đã dao động đúng với bản chất hơn. Chỉ số này lình xình trong biên độ hẹp trong suốt thời gian giao dịch của phiên hôm nay và đóng cửa với mức giảm nhẹ, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp, trong khi HNX-Index trong 1 tuần giao dịch gần đây luôn đan xen 2 phiên tăng, 2 phiên giảm.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 1,01 điểm (-0,17%), xuống 593,07 điểm với 110 mã tăng và 113 mã giảm. Thanh khoản hôm nay sụt giảm khá mạnh so với phiên đầu tuần và các phiên trước đó. Tổng khối lượng khớp lệnh hôm nay chưa tới 100 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.400 tỷ đồng. Bù lại, giao dịch thỏa thuận lại diễn ra sôi động với hơn 30,9 triệu đơn vị, giá trị 805,5 tỷ đồng với sự góp mặt của 5 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 430,9 tỷ đồng, 6,5 triệu cổ phiếu SAM, giá trị 77,35 tỷ đồng, 7,83 triệu cổ phiếu BHS, giá trị 109,65 tỷ đồng…






Diễn biến VN-Index phiên 13/6



Tương tự, HNX-Index cũng giảm 0,34 điểm (-0,39%), xuống 86,75 điểm với 70 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,75 triệu đơn vị, giá trị 577,81 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,15 triệu đơn vị, giá trị 110 tỷ đồng.






Diễn biến HNX-Index phiên 13/6



FLC tiếp tục chịu sức ép lớn từ sự lo ngại 75 triệu cổ phiếu phát hành thêm sắp được giao dịch. Đóng cửa hôm nay, FLC giảm 2,22%, xuống 8.800 đồng với gần 20,7 triệu đơn vị được khớp.
JVC dĩ nhiên chưa có lối thoát khi có phiên giảm thứ 11 liên tiếp, trong đó có 9 phiên gảm sàn với 6 phiên giảm sàn liên tiếp kể từ ngày phiên 16/6 tới nay. Cũng giống như 5 phiên giảm sàn liên tiếp trước đó, phiên hôm nay, lượng dư bán sàn cũng lên tới cả chục triệu đơn vị. Sau khi hủy lệnh để chuyển sang lệnh ATC, lượng dư bán sàn của JVC còn lại hơn 9 triệu đơn vị, trong khi tổng khớp chỉ là 516.070 đơn vị.
OGC cuối cùng cũng chấp nhận mức giá sàn 2.800 đồng khi đóng cửa với 8,2 triệu đơn vị được khớp.
Nhóm ngân hàng cũng có sự phân hóa, trong khi CTG, STB giảm giá, VCB đứng giá, thì 3 mã còn lại là BID, MBB và EIB tăng nhẹ. Trong đó, MBB có thanh khoản tốt nhất với 6,5 triệu đơn vị được khớp. Ngoài 3 mã ngân hàng này, một số mã bluechip khác có mức tăng khá tốt hôm nay là BVH, HPG, KDC.
Trong nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ, ngoài FLC, các mã khác như HAI, ITA, HQC, DLG không có nhiều đột biến về giá khi chỉ lình xình quanh tham chiếu. Trong khi đó, VHG phiên chiều nay lại bất ngờ được được đẩy lên sát mức giá trần trước khi đóng cửa ở mức 10.200 đồng, tăng 4,08% với 2,78 triệu đơn vị được khớp.
ATA sau khi cầm cự khá tốt phiên sáng, đã không còn đủ sức trước áp lực chốt lời mạnh trong phiên chiều và chấp nhận đóng cửa ở mức sàn 4.000 đồng. Trong khi đó, AMD vẫn duy trì đà tăng trần vững chắc khi lực cung không còn. Kết thúc phiên, mã này được khớp gần 1,18 triệu đơn vị. Cũng duy trì được sắc tím còn có GTT, SC5, UDC, TNT, LCM, CIG.
Trên HNX, tưởng chừng lực mua tốt cuối phiên sáng sẽ giúp SHN hồi phục trở lại, tuy nhiên áp lực bán lại gia tăng mạnh hơn trong phiên chiều, khiến mã này một lần nữa bị kéo xuống sàn 17.400 đồng và không thể gượng dậy khi còn dư bán sàn và ATC gần 400.000 đơn vị trong khi lượng khớp là gần 1,45 triệu đơn vị.
ACB cũng không giữ nổi sắc xanh trước áp lực chốt lời lớn, nhưng điểm tích cực là PVS, PVC, KLF, FIT vẫn duy trì mức tăng, dù chỉ là mức tăng nhẹ, ngoại trừ PVC.
Trần Lê (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn