Hiện KDC đã tính toán và cân đối tài chính để thực hiện các kế hoạch đàu tư, và “KDC đủ tiền mặt để trả cổ tức 14% bằng tiền mặt trong liên tục 10 năm”, ông Nguyên nói.
Khá nhiều câu hỏi của cổ đông liên quan đến tờ trình cổ tức năm 2015 là 14% bằng tiền mặt, trong khi trước đó đã thông qua bằng văn bản việc chia cổ tức đặc biệt với tỷ lệ 200%.
Ông Nguyễn Xuân Luân, Phó tổng giám đốc KDC cho biết, cổ tức dự kiến năm 2015 là 14% tiền mặt là mức cổ tức không bao gồm chính sách cổ tức đặc biệt năm 2015 là 200% đã thông qua trước đó. Hiện KDC đã hoàn tất toàn bộ thủ tục chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho đối tác Mondelēz và đang đợi giấy phép chính thức. Sau khi nhận được giấy phép và nhận được tiền, KDC sẽ tiến hành chia cổ tức ngay 200% cho cổ đông.






Lãnh đạo Kinh Đô cam kết sau 2 năm sẽ đưa KDC trở lại mốc doanh thu 5.000 tỷ đồng




Năm 2015, KDC đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.500 tỷ đồng chủ yếu đến từ việc chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho đối tác Mondelēz. Còn về chỉ tiêu doanh thu, trong 6 tháng đầu năm, KDC vẫn đang ghi nhận 100% doanh thu từ mảng bánh kẹo và tổng doanh thu 3.000 tỷ đồng bao gồm từ bánh kẹo và sản phẩm mới.
Ông Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc KDC cho biết, hiện dung lượng thị trường bánh kẹo thấp hơn nhiều so với mảng thực phẩm thiết yếu, gia vị. Tốc độ tiêu thụ thực phẩm cao đang hơn dự kiến thu nhập bình quân đầu người, ngược lại so với trước đây. Tăng trưởng ngành thực phẩm dự báo đến năm 2017 là 15%. Trong đó, ngành thực phẩm gia vị có độ phủ rộng, thâm nhập cao, dung lượng thị trường lớn. Khi bán mảng bánh kẹo, KDC không chuyển giao hết toàn bộ tài sản mà đã nhân đôi toàn hệ thống, quá trình chuyển giao vẫn đảm bảo về nhân sự, nguồn lực, hệ thống cho sự phát triển của KDC.
Với ngành hàng mì ăn liền, nước chấm, gia vị và thực phẩm đóng gói tiện dụng, công ty hướng đến việc liên doanh hợp tác cùng đối tác giàu kinh nghiệm nhằm tối đa hóa hiệu quả kinh doanh và đưa ra thị trường sản phẩm với giá phù hợp.
Vừa qua, KDC đã ký kết hợp tác với các đối tác để thành lập công ty liên doanh mới. Cụ thể, KDC ký hợp tác liên doanh với Công ty TNHH Saigon Ve Wong, nhằm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Cuối năm 2014, KDC đã tung ra sản phẩm mì Đại Gia Đình.
Một liên doanh mới nhất là giữa KDC và Tập đoàn Felda Global Ventures (FGV) của Malaysia và Tập đoàn Indo-Trans Logistics Corporation (ITL) để tập trung sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dầu cọ đóng chai tại thị trường Việt Nam. Trước mắt, KDC vẫn sẽ sử dụng thương hiệu Đại gia đình để phân phối sản phẩm dầu ăn cho giai đoạn 1, sau đó xem xét phát triển thương hiệu khác hay của nước ngoài. Trong lĩnh vực này, công ty liên doanh sẽ tận dụng được cơ sở hạ tầng của Vocarimex và lợi thế nguồn cung dầu nguyên liệu từ đối tác để có thể trở thành công ty cung cấp nguồn dầu nguyên liệu chất lượng với giá cạnh tranh cho các công ty sản xuất, vào chuỗi các nhà hàng khách sạn tại Việt Nam…
Để đầu tư cho chiến lược sản phẩm mới, KDC tổng tiền mặt dự kiến là 9.568 tỷ. Trong đó, công ty sẽ sử dụng khoảng 1.725 tỷ được dự trữ tài trợ cho kế hoạch đầu tư kinh doanh F&B hiện tại. Trong đó, 700 tỷ mua cổ phần của Vocarimex; 210 tỷ đầu tư phát triển hệ thống ngành dâu ăn; 401 tỷ đầu tư phát triển ngành mỳ; 214 tỷ mở rộng kênh phân phối hàng lạnh; 200 tỷ phát triển ngành khác. Lượng tiền mặt còn lại khoảng 7.843 tỷ sẽ dành 4620 tỷ để chia cổ tức, 3.223 tỷ sẽ tập trung vào những cơ hội đầu tư phù hợp với nền tảng sẵn có và am hiểu về ngành.
Cũng tại Đại hội, cổ đông cũng đã thông qua tờ trình về việc Công ty sẽ đổi tên thành CTCP Tập đoàn KIDO (KIDO Corporation) và bầu cử HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2015-2020.
Phan Hằng

Theo baodautu.vn