1. PTB: Khuyến nghị tích cực
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Trữ lượng các mỏ đá đủ cung cấp trong vòng 20-25 năm. Với 3 mỏ hiện hữu và mua lại 2 mỏ mới ở Khánh Hòa và lợi thế chất lượng tốt đặc biệt ở mỏ đá tím Phù Mỹ, trữ lượng đá đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định đủ để khai thác trong vòng 20-25 năm.
Tăng 24.8% sản lượng đá granite từ nhà máy Đồng Nai. Công suất nhà máy mới 372.000 m2/ năm, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 10/2015, góp phần tăng tổng công suất hoạt động của PTB lên thêm 24,8% so với mức 1,5 triệu m2/ năm hiện tại được sản xuất tại Bình Định. BVSC giả định sản lượng tiêu thụ trong 2 năm đầu sau khi đi hoạt động đạt 40%, 70% công suất, doanh thu dự ước đá granite tại nhà máy mới vào khoảng 107 tỷ đồng trong năm 2016.
Đầu tư nhà máy sản xuất đá marble công suất 350.000 m2/năm. Bên cạnh sản xuất đá granite nhà máy Đồng Nai còn mở rộng sản xuất sản phẩm mới, giá trị cao là đá marble. Với công suất 350.000 m2/ năm, nhà máy dự kiến đem lại doanh thu khoảng 107 tỷ đồng trong năm 2016. Đồng thời, nhờ tận dụng chênh lệch thuế nhập khẩu giữa đá nguyên liệu và đá thành phẩm khoảng 17-20%, lợi nhuận biên gộp từ sản xuất đá marble có thể đạt 21%.
Hoạt động sản xuất gỗ tăng trưởng 15% trong năm 2015 nhờ khách hàng mới Nga và Mỹ. Xu hướng dịch chuyển gia công các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ đang diễn ra, hỗ trợ cho sự tăng trưởng trong mảng sản xuất gỗ của PTB trong thời gian tới.
Chi phí khai thác đá có thể tăng trong năm 2016 do khả năng tăng thuế tài nguyên. Theo ý kiến của Bộ tài chính, mức thuế suất thuế tài nguyên môi trường các sản phẩm đá granite đang được đề xuất tăng từ mức 10% lên 15%. Nếu đề xuất này được thông qua và áp dụng vào năm 2016, sẽ làm tăng chi phí sản xuất các sản phẩm granite. Do đó, BVSC dự ước thận trọng lợi nhuận gộp biên hoạt động sản xuất đá granite sẽ giảm nhẹ từ mức 27% về mức 26% trong năm 2016.
Khuyến nghị đầu tư: Chúng tôi đánh giá tích cực cổ phiếu PTB với lợi thế doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực khai thác đá granite tại tỉnh Bình Định, chiếm 1/3 tổng công suất toàn tỉnh, nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng đặc biệt mỏ đá tím Phù Mỹ. Đồng thời, việc mở rộng hoạt động sản xuất đá marble và đá granite tại nhà máy Đồng Nai mở thêm cơ hội tăng trưởng cho những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh gỗ cũng đang có những chuyển biến tích cực. Hoạt động kinh doanh xe Toyota cũng dự kiến sẽ tăng lợi nhuận nhờ mảng kinh doanh xe cũ và mở rộng hoạt động sữa chữa, bảo trì.
Trên cơ sở đó, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu PTB với mức giá kỳ vọng 63.800 đồng/CP.
2. HNG: PE dự phóng ở mức 6,7 lần

CTCK FPT (FPTS)







Lợi thế lớn nhất của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) là quỹ đất rộng lớn với diện tích 88 nghìn ha tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và đã áp dụng công nghiệp, cơ giới hóa trong việc canh tác giúp lĩnh vực trồng trọt đạt năng suất cao so với mức bình quân trong ngành.
2013-2014 chưa có sự đóng góp từ mảng bò thịt và bò sữa: Trong năm 2014, doanh thu của HNG đạt 2.212 tỷ đồng (+36% so với năm trước) và 759 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+26%, so với năm trước) chủ yếu nhờ vào: (1). Doanh thu bán đường tăng 25% và đóng góp 47% doanh thu, (2). Bắt đầu 2014 HNG có thêm 205 tỷ đồng doanh thu từ bắp, (3).Lãi từ thu nhập khác 78 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng các vườn cây cao su, tiêu.
Trong nửa đầu năm 2015, HNG đạt 1.049 tỷ đồng doanh thu thuần (+13% so với năm trước) tuy nhiên cũng chưa có sự đóng góp từ mảng chăn nuôi bò vì mới đưa vào từ 3 quý 2014. Từ 2 quý 2015, mảng kinh bò thị sẽ bắt đầu đóng góp và kết quả kinh doanh của HNG.
Chịu tác động tiêu cực từ giá hàng hóa nông sản giảm: Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 56% của năm 2013 về mức 46% trong năm 2014, chủ yếu do giá mía đường và giá cao su giảm trong năm 2014, với mức lần lượt là 9% và 44% (yoy) khi hai mảng này đóng góp trên 60% lợi nhuận gộp của HNG.
Mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp của các mảng kinh doanh chính đều giảm, nhưng tổng lợi nhuận gộp vẫn tăng 12% do Công ty bắt đầu kinh doanh bắp, và sản lượng mía đường tiêu thụ 83,3 nghìn tấn (+37% so với năm trước) đã bù lại cho việc giá bán bình quân giảm xuống.
Triển vọng năm 2015 và các năm sau: 2015-2016 là năm bản lề cho việc đầu tư giai đọan cuối cùng và đưa các sản phẩm mới của HNG ra thị trường. Trong quý II/2015, HNG ước đạt 490 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lũy kế nửa đầu năm 2015, HNG ước đạt 597 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Có thể thấy, so với quý I/2015, thì quý II/2015 HNG đã có sự tăng trưởng đáng kể về lợi nhuận (+460% so với quý trước) khi Công ty bắt đầu tiêu thụ 18 nghìn con bò thịt trong quý này, theo chúng tôi ước tính, mảng bò thịt đã đóng góp khoảng 216 tỷ đồng lợi nhuận gộp vào kết quả kinh doanh quý II/2015 của HNG.
Chúng tôi dự phóng năm 2015, HNG sẽ đạt 4.871 tỷ đồng doanh thu thuần (+120%, so với năm ngoái) và 1.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+90%, so với năm ngoái), tương ứng EPS(2015) ở mức 2.040 đồng/CP. Dựa trên cơ sở sau: (1). HNG tiêu thụ 60 con bò thị trong nửa cuối năm 2015, lũy kế 78 nghìn con bò thịt cho cả năm 2015;
(2). HNG tiêu thụ 50 nghìn tấn đường tại Việt Nam và 10 nghìn tấn đường tại Lào;
(3). HNG tiếp tục ghi nhận 120 tỷ đồng lãi từ dự án sân bay tại Lào trong 2H2015;
(4). Sản lượng cao su tiêu thụ là 9.705 tấn cho cả năm 2015;
(5). HNG sẽ khai thác sữa trên đàn bò hiện có đến 1H2015 là 5.382 con cho cả năm 2015. Từ năm 2016 trở đi, HNG sẽ đẩy mạnh tiêu thụ đàn bò thịt của mình khi và các mảng kinh doanh khác như cao su, cọ dầu, bò sẽ cũng sẽ bắt đầu vào thời điểm thu hoạch, nên kỳ vọng kết quả kinh doanh cũng sẽ tăng trưởng tốt.
Nhận định: Với dự phóng 4.871 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức EPS(2015) là 2.040 đồng/CP, hiện tại HNG đang được giao dịch ở mức P/E là 13,7 lần.
Giai đoạn 2015- 2016 là giai đoạn đầu tư nên với mức giá hiện tại thì HNG chưa thực sự hấp dẫn cho nhà đầu tư trong năm 2015 mà nằm ở các năm tiếp theo. Theo kế hoạch của doanh nghiệp, trong năm 2016 mảng kinh doanh bò thịt sẽ đóng góp đáng kể hơn thì chúng tôi cho rằng khả năng hoàn thành 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tương ứng mức EPS(2016) đạt 4.150 đồng/CP, PE forward cho 2016 ở mức 6,7 lần.
3. PDN: Khuyến nghị theo dõi
CTCK FPT (FPTS)
Trong 6 tháng đầu năm 2015, doanh thuần và lợi nhuận sau thuế của CTCP Cảng Đồng Nai (mã PDN) lần lượt đạt 154,61 tỷ đồng (+27,9% so với cùng kỳ năm ngoái) và 26,15 tỷ đồng (+1,7% so với cùng kỳ năm ngoái).
Tại khu vực Long Bình Tân, công ty đang tiến hành giải phóng mặt bằng xây dựng hệ thống kho tại Long Bình Tân, mở rộng chuỗi từ cảng sang logistics.
Nhằm mục đích tiếp tục mở rộng khai thác hàng container nội địa đến các cảng Cát Lái, Hiệp Phước, công ty đầu tư xây dựng thêm bến sà lan 3.000 tấn. Dự án tại khu vực Long Bình Tân dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016, giúp gia tăng sản lượng hàng hóa lưu kho và container thông qua.
Tại khu vực Gò Dầu, cảng nằm trên thượng nguồn sông Thị Vải, có thể tiếp nhận được tàu trọng tải lớn hơn khu vực Long Bình Tân. Công ty đang thực hiện dự án nâng cấp, nối dài cầu bến nhằm tiếp nhận được tàu tải trọng 30.000 DWT. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 8/2015, gia tăng sản lượng khai thác hàng rời của công ty đáng kể trong năm 2016.
Cổ tức 2015 dự kiến là 17% đã được thông qua tại ĐHĐCĐ 2015.
Nhận định: PDN hiện tại đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng, đồng thời thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược bán hàng và marketing. Tuy nhiên, trong năm 2015, mức độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế có khả năng sẽ không cao do các chi phí đầu tư cơ bản, khấu hao trong khi dự án nâng cấp cầu cảng chỉ kịp hoàn thành trong giai đoạn cuối năm. Mặt khác, dự án xây dựng cầu cảng 30.000 DWT được tài trợ bằng 70% vốn vay nên tạo áp lực trả lãi trong năm (khoảng 7 – 8 tỷ đồng).
Dự kiến kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2016 trở về sau khi dự án cảng, kho bãi bắt đầu đi vào hoạt động. Ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2015 lần lượt là 357,08 tỷ đồng (+33,49% so với năm trước) và 51,2 tỷ đồng (+7% so với năm trước). EPS forward 2015 là 4,150 đồng, tương ứng với P/E là 8,92x.
Chúng tối khuyến nghị THEO DÕI cổ phiếu PDN trong năm 2015. Lưu ý: Mức thanh khoản khá thấp của cổ phiếu PDN, bình quân 1.235 cổ phiếu/ngày.
4. SHP: Lợi nhuận năm 2015 sẽ thấp hơn 2014
CTCK MB (MBS)
SHP công bố kết quả kinh doanh quý II/2015. Theo đó, doanh thu đạt mức 112,4 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ; lợi nhuận quý II đạt 15 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 60 tỷ đồng của năm 2014.
Nguyên nhân kết quả kinh doanh của SHP không khả quan là do mùa mưa năm nay về trễ hơn so với năm trước dẫn đến sản lượng 6 tháng đầu năm thấp. Lũy kế đến hết tháng 6/2015, Công ty mới sản xuất được 168,5 triệu Kwh điện. Do lượng nước về hồ thấp và chi phí khấu hao được tính gia tăng so với cùng kỳ nên nhà máy thủy điện Đam’bri của SHP đang bị lỗ tạm thời 40,63 tỷ đồng.
Thông thường sản lượng điện 6 tháng đầu năm bằng khoảng 30% sản lượng điện cả năm (mùa mưa thường bắt đầu vào cuối tháng 5 và kéo dài đến hết tháng 11) do đó kết quả kinh doanh của SHP sẽ khả quan hơn trong quý III và quý IV. Tuy nhiên, do điều kiện thủy văn không thuận lợi và chi phí khấu hao tăng nên nhiều khả năng lợi nhuận sau thuế năm 2015 sẽ thấp hơn năm 2014.
5. IDI: Kế hoạch kinh doanh năm 2015 khá thử thách
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Theo Nghị quyết ĐHCĐ 2015 của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI) đã thông qua, công ty sẽ chi trả cổ tức 2014 bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:15. Theo đó, IDI sẽ phát hành thêm khoảng 12,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông. Tổng giá trị phát hành khoảng 128 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2014 của công ty, tương đương 132 tỷ đồng.
Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2014 ban đầu, cổ tức 2014 là 10% bằng tiền mặt. Nhưng do phải tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh (xem thêm nhận định), HĐQT đã lập lại tờ trình thông qua ĐHCĐ việc chia cổ tức năm 2014 bằng cổ phiếu.
Kế hoạch kinh doanh năm 2015, IDI đặt chỉ tiêu doanh thu 3.012 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 171 tỷ đồng, tăng lần lượt 42% và 89% so với mức doanh thu và lợi nhuận đạt được năm 2014. Nhưng lợi nhuận sau thuế quý I/2015 chỉ mới hoàn thành 12% kế hoạch năm. Với tình hình khó khăn chung của ngành xuất khẩu cá tra (từ đầu năm đến giữa tháng 5/2015, tổng giá trị cá tra xuất khẩu của Việt Nam ở mức tăng trưởng âm, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái), chúng tôi cho rằng kế hoạch này của IDI khá thử thách.
6. DHG: PE thấp hơn trung bình ngành, kỳ vọng 10 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
DHG vừa công bố KQKD hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm 13,9% và 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt lần lượt 1.458 và 260,4 tỷ đồng.
Như đã đề cập trong các phân tích trước, doanh thu giảm là do ảnh hưởng bởi việc hạch toán kết quả kinh doanh theo chế độ kế toán mới (TT200/2014- TT-BTC). Theo đó, DHG không còn được ghi nhận các khoản doanh thu từ hàng khuyến mãi (ví dụ như dưới hình thức mua 2 tặng 1) như trước đây nữa.
Ở chiều ngược lại, doanh thu mảng phân phối vẫn tăng trưởng khá tốt, 84% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, cơ cấu doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của DHG có sự dịch chuyển theo hưởng giảm tỷ trọng doanh thu hàng sản xuất từ mức 92% của 6 tháng đầu năm 2014 xuống còn 83% trong 6 tháng đầu năm 2015.
Áp dụng chuẩn mực kế toán mới khiến DHG phải điều chỉnh cả cách hạch toán giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí tài chính. Cụ thể:
1, Mặc dù hàng khuyến mãi không được ghi nhận doanh thu nhưng DHG vẫn phải ghi nhận giá vốn hàng bán. Đây là nguyên nhân khiến biên lợi nhuận gộp của nhóm hàng sản xuất điều chỉnh từ mức 57% trong 6 tháng đầu năm 2014 xuống còn 48% trong 6T/2015. Biên lợi nhuận của nhóm hàng phân phối vẫn duy trì ở mức 8% nhưng do tỷ trọng đóng góp doanh thu từ mảng này gia tăng nên biên lợi nhuận gôp chung của cả công ty chỉ đạt 41,3% trong 6 tháng đầu năm 2015, so với mức 52,8% của 6 tháng đầu năm 2014.
2, Tuy nhiên, các chi phí liên quan đến hàng khuyến mãi cũng sẽ được loại trừ khỏi khoản mục chi phí bán hàng. Nhờ đó, tỷ lệ CPBH&QL/DT của DHG giảm mạnh từ 32,5% trong 6 tháng đầu năm 2014 xuống còn 20,8% trong 6 tháng đầu năm 2015, bù trừ chênh lệch biến động của biên lợi nhuận gộp như đã trình bày ở trên.
Tuy nhiên, chủ yếu do chiết khấu thanh toán và lãi vay tăng khiến chi phí tài chính 6 tháng đầu năm 2015 của DHG tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015 giảm 16,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 274,3 tỷ đồng.
Thu nhập ròng từ hoạt động khác của DHG đạt 40,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015, so với mức 8,4 tỷ đồng của cùng kỳ. Cùng với việc thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân trong kỳ của công ty chỉ ở mức 17%, thấp hơn mức 19,7% của 6 tháng đầu năm 2014 giúp lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2015 của DHG chỉ còn giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. DHG bắt đầu hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN 0% cho nhà máy mới trong 4 năm tới, từ 2015-2018.
Năm 2015, DHG đặt kế hoạch gần như không tăng trưởng với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 4.000 tỷ đồng (+2,2% so với năm trước) và 729 tỷ đồng (+1% so với năm trước). Với kết quả 6 tháng đầu năm 2015 trên, công ty đã hoàn thành khoảng 36,4% và 43,2% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.
DHG đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khoảng 10 lần, thấp hơn cả bình quân ngành trong nước (11-12 lần) và khu vực (hơn 20 lần).

Thanh Thúy (Tinnhanhchungkhoan.vn)

Theo baodautu.vn