Năm 2014, Thế Giới Số đạt 4.877 tỷ đồng doanh thu (230 triệu USD), tăng 60% so với năm 2013. Một điều khá tình cờ trước khi DGW niêm yết là cái tên Thế Giới Số cũng được nhắc đến quanh nghi án nợ thuế. Tuy nhiên, thông tin nợ thuế của Thế Giới Số đã được đại diện doanh nghiệp này phủ nhận khi bà Tô Hồng Trang, Phó tổng giám đốc Thế Giới Số cho biết, Công ty đã có công văn gửi Chi cục Thuế quận 3 (TP.HCM) đề nghị xác nhận hoàn thành nghĩa vụ cho người nộp thuế.
Năm 2015, Thế Giới Số đặt mục tiêu doanh thu 7.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 178 tỷ đồng, tăng tương ứng 50% và 39% nếu thị trường thuận lợi. Trong trường hợp thị trường không thuận lợi, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận là 6.000 tỷ đồng và 160 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 25%.






\r




Rõ ràng, với quy mô và đà tăng trưởng hiện tại, việc Digiworld đặt mức giá niêm yết cho cổ phiếu DGW khá cao là 52.000 đồng/cổ phiếu cũng không có gì khó hiểu. Bởi lẽ, một doanh nghiệp cùng lĩnh vực là Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG-HOSE) cách đây 1 năm đưa cổ phiếu MWG lên niêm yết đã đưa ra giá chào sàn lên tới 69.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi MWG niêm yết, thị giá cổ phiếu này đã tăng liên tục, tạo hiệu ứng khá nóng cho đại gia bán lẻ công nghệ này trên sàn chứng khoán.
Trong khi đó, cũng giống như Thế giới Di Động, Thế Giới Số là doanh nghiệp hoạt động trong một lĩnh vực đang trên đà tăng trưởng mạnh. “Xu hướng thị trường về nhu cầu điện thoại thông minh đang tăng mạnh. Hiện tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở Việt Nam mới chỉ ở mức 30%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực”, ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích (Công ty cổ phần Chứng khoán KIS) đánh giá.
Về cơ cấu doanh thu của Thế Giới Số, điện thoại di động vẫn là mặt hàng chủ lực, sẽ chiếm 65-70% tổng doanh số của đại gia này, mảng kinh doanh laptop khoảng 30-35% và 5% còn lại sẽ là máy móc thiết bị văn phòng.
Tuy nhiên, với các nhà đầu tư, bài toán đo lường mức giá của DGW không đơn giản và việc tân binh DGW có tái hiện những điều mà người anh em MWG đã làm được cách đây 1 năm hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác, bởi 2 doanh nghiệp này khác nhau về nhiều mặt quy mô, tầm vóc, cũng như kỳ vọng của giới đầu tư đối với từng cổ phiếu... Chưa kể, thời điểm niêm yết khác nhau cũng có thể tạo ra những kịch bản hoàn toàn khác sau khi niêm yết.
Xét về quy mô, Thế Giới Số với quy mô vốn điều lệ hơn 230 tỷ đồng tỏ ra lép vế hơn khá nhiều so với quy mô lên tới gần 1.400 tỷ đồng của Thế giới Di động. Sự chênh lệch về quy mô có thể nhìn dưới 2 góc độ khác nhau. Một mặt, quy mô đương nhiên là một điều bất lợi lớn trong cuộc cạnh tranh giành một vị trí có đai có đẳng trong lĩnh vực mình đang hoạt động. Dù vậy, quy mô nhỏ cũng đồng nghĩa với việc tiềm tăng bùng nổ sẽ còn rất lớn nếu doanh nghiệp có một chiến lược phát triển đúng đắn để nắm bắt các cơ hội trước một thị trường đang rộng mở.
Nếu xét về kết quả kinh doanh, năm 2014, Thế Giới Số đạt 4.877 tỷ đồng doanh thu, còn tăng 60 % so với năm 2013 còn Thế giới Di động đạt 15.800 tỷ đồng doanh thu. Đây là những con số xấp xỉ nhau giữa 2 đại gia này nếu so về mặt quy mô của từng doanh nghiệp. Rõ ràng, để Thế Giới Số đuổi kịp được người anh em Thế giới Di động thì doanh nghiệp sẽ cần có một sự bứt phá mạnh mẽ hơn nhiều mới có thể thuyết phục được giới đầu tư.
Trong khi đó, theo kế hoạch kinh doanh 2015, Thế Giới Số đặt mục tiêu doanh thu ước đạt 7.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 178 tỷ đồng, tăng tương ứng 50% và 39% nếu thị trường thuận lợi. Trong trường hợp thị trường không thuận, mục tiêu doanh thu và lợi nhuận là 6.000 tỷ đồng và 160 tỷ đồng, tăng lần lượt 23% và 25%. Về phần mình, năm 2015, Thế giới Di động đặt mục tiêu doanh thu thuần hơn 23.000 tỷ đồng, tăng 50% và lợi nhuận sau thuế đạt 886 tỷ đồng, tăng 31%.
Với những con số này, khả năng để Thế Giới Số rút ngắn khoảng cách với Thế giới Di động là rất mong manh, ít nhất là trong vòng 1 năm tới. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhà đầu tư phải cân nhắc nhiều khi quyết định có “móc hầu bao” với tân binh DGW hay không.
Chí Tín

Theo baodautu.vn